BỆNH GOUT DO THUỐC?

Bệnh gout xảy ra do sự tăng acid uric trong máu. Thông thường acid uric hòa tan trong máu, được thận lọc và đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Tuy nhiên, acid uric chỉ tan một cách hạn chế trong dịch cơ thể, khi có quá nhiều acid uric dẫn đến hình thành các tinh thể sắc nhọn, lắng đọng tại các khớp gây ra những cơn đau dữ dội.

Nồng độ acid uric bình thường trong máu nằm trong khoảng 2.4-6.0 mg/dL (ở nữ) và 3.4-7.0 mg/dL (ở nam). Khi lượng acid uric máu lớn hơn 6.0 mg/dL(đối với nữ) và 7.0 mg/dL(đối với nam) thì được coi là tăng acid uric máu và có nguy cơ gây ra bệnh gout.

Tăng acid uric máu có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, như do chế độ ăn, do di truyền... Trong đó không thể không kể nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng thuốc.

Cùng Dược phẩm FYKOFA tìm hiểu về những nhóm thuốc này để có những điều chỉnh thích hợp khi dùng thuốc, hạn chế những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.

1. Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu được sử dụng rất phổ biến trong điều trị cao huyết áp, suy tim, suy thận...Tuy nhiên, chúng cũng là một trong những nguyên nhân gây tăng acid uric máu thứ phát. Ngoại trừ một số thuốc đã được chứng minh là không làm thay đổi nồng độ acid uric trong máu như amiloride...thì một số nhóm thuốc như lợi tiểu quai (acid ethacrynic, furosemide..), lợi tiểu thiazid (chlorthalidone, hydrochlorothiazide..)... có thể gây tăng acid uric máu do làm giảm khả năng thải trừ acid uric qua thận. Khi sử dụng thuốc trong thời gian dài, lượng acid uric máu có xu hướng tăng lên đáng kể. Đối với spironolactone, kết quả của các nghiên cứu trước đây cho thấy  không có ảnh hưởng, tuy nhiên một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khi sử dụng với liều lượng thấp, trên bệnh nhân suy thận mạn tính, spironolactone có làm tăng acid uric máu. Do vậy, cần thận trọng khi sử dụng thuốc trên đối tượng này.

2. Aspirin

Aspirin thuộc nhóm chống viêm không steroid (NSAIDs), có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm, chống kết tập tiểu cầu. Ngoài ra còn có tác dụng trên sự thải trừ acid uric, liều 1-2g/ngày hoặc thấp hơn làm giảm thải trừ acid uric qua thận dẫn đến tăng acid uric máu, ngược lại liều trên 2g/ngày lại làm tăng thải trừ. Tuy nhiên, aspirin liều cao cũng không dùng làm thuốc điều trị bệnh gout và đặc biệt không phối hợp với các thuốc điều trị gout vì nó làm giảm tác dụng của những thuốc này khi dùng đồng thời.

3. Thuốc chống lao

Phác đồ điều trị lao thường không dùng một thuốc đơn lẻ mà luôn phải kết hợp các loại thuốc với nhau. Các thuốc thường đuộc phối hợp bao gồm: isoniazid, rifampicin, pyrazinamide, ethambutol, streptomycin... Trong đó, pyrazinamide và ethambutol là các thuốc có nguy cơ làm tăng acid uric máu.

Ethambutol làm giảm acid uric thải trừ qua nuớc tiểu dẫn đến làm tăng acid uric máu một cách đáng kể, tác động này được quan sát chủ yếu vào tuần thứ hai, ba hoặc tuần thứ tư kể từ khi sử dụng thuốc. Pyrazinamide cũng là một chất giữ acid uric mạnh, với cơ chế vừa tăng tái hấp thu vừa giảm thải trừ, pyrazinamide làm giảm độ thanh thải acid uric qua thận trên 80%. Do vậy, chúng không chỉ làm tăng acid uric máu, mà thậm chí có thể dẫn đến cơn gout cấp tính.

Tuy nhiên, đây lại là những thuốc rất cần thiết trong điều trị lao, do đó người bệnh không được phép tự ý bỏ thuốc, mà phải trao đổi với bác sĩ về những nguy cơ có thể xảy ra, đồng thời tuân thủ chặt chẽ theo phác đồ điều trị.

4. Thuốc ức chế miễn dịch

Cyclosporin được xem là một yếu tố nguy cơ quan trọng làm phát triển bệnh gout ở bệnh nhân ghép tạng. Trước đây, acid uric máu tăng cao được tìm thấy ở khoảng 25% bệnh nhân ghép thận, tuy nhiên con số này đã tăng lên trên 80% kể từ khi việc sử dụng cyclosporin trở nên phổ biến. Sử dụng cyclosporin có thể khiến cho bệnh gout phát triển nhanh chóng, các hạt tophi thậm chí hình thành trong một khoảng thời gian ngắn và ở những vị trí bất thường như các mô mềm, các vị trí trong tủy sống, khớp cùng chậu...

Một loại thuốc ức chế miễn dịch khác là tacrolimus cũng làm tăng nồng độ acid uric máu ở bệnh nhân ghép thận. Tỷ lệ tăng acid uric máu của những bệnh nhân dùng tacrolimus thấp hơn đáng kể so với những bệnh nhân dùng cyclosporin. Tuy nhiên có những nghiên cứu lại chỉ ra rằng không có sự khác biệt về lượng acid uric máu khi sử dụng hai loại thuốc này.

5. Thuốc điều trị ung thư

Các thuốc điều trị ung thư theo cơ chế gây độc gây hội chứng ly giải tế bào ung thư (tumour lysis syndrome).Hội chứng này được đặc trưng bởi làm ly giải một số lượng lớn các tế bào ung thư, giải phóng các vật liệu tế bào vào máu, dẫn đến nồng độ acid uric máu tăng cao, đi kèm với các sự tăng các ion kali, phosphate, calci và các chất chuyển hóa có tính acid. Trong trường hợp này, sự tăng lý giải acid nhân và các nucleotid đã thúc đẩy quá trình hình thành acid uric, dẫn đến acid uric máu tăng cao, nhanh chóng.

Sự tăng acid uric máu do thuốc gây độc tế bào là nguy hiểm nhất trong các trường hợp tăng acid uric máu do thuốc. Hiện tượng này thường xảy ra 48 - 72 giờ sau điều trị, với tỉ lệ tử vong cao. Tỉ lệ tử vong 20 - 50% nếu không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán muộn.

Hiện tượng này thường xảy ra với các thuốc: zoledronic acid, thalidomide, hoặc các thuốc hóa trị liệu mới như bortezomib, rituximab và ibrutinib.

6. Một số thuốc khác

Ngoài những thuốc đã nêu ở trên, một số thuốc khác cũng làm tăng acid uric máu phải kể đến như:

  • Acid nicotinic ( Niacin, vitamin B3)
  • Testosteron
  • Levodopa
  • Omeprazol
  • Sildenafil

      ....

TÀI LIỆU THAM KHẢO

C. Ben Salem, Raoudha Slim, Neila Fathallah, Houssem Hmouda (2017). Drug-induced hyperuricaemia and gout. Rheumatology, Volume 56, Issue 5, Pages 679–688

Vũ Thị Trâm (2012).Thuốc giảm đau- hạ sốt- chống viêm và thuốc điều trị bệnh gout. Dược lý học, nxb Y học, tập 2, trang 269

Người viết bài: SV. Nguyễn Diệu Quế Anh

Hiệu đính: TS. DS. Ngô Thiện

=====

Để nhận tư vấn về sản phẩm và đặt hàng, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM FYKOFA

Hotline: 1800 234 555 (Miễn phí)
Email: info@fykofa.com
Website: www.fykofa.com
Fanpage: www.fb.com/duocphamFYKOFA

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận