BỆNH GOUT NÊN KIÊNG ĂN - ĂN GÌ?

Gout là một dạng viêm khớp phổ biến, được đặc trưng bởi các cơn đau đột ngột, dữ dội, sưng, đỏ ở các khớp đặc biệt là khớp ngón chân cái, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các khớp khác như cổ chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay...

Bệnh gout xảy ra do sự tăng acid uric trong máu. Thông thường acid uric hòa tan trong máu, được thận lọc và đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Tuy nhiên, acid uric chỉ tan một cách hạn chế trong dịch cơ thể, khi có quá nhiều acid uric dẫn đến hình thành các tinh thể sắc nhọn, lắng đọng tại các khớp gây ra những cơn đau dữ dội.

Bệnh gout có thể được kiểm soát bằng thuốc, thay đổi chế độ ăn và lối sống. Một chế độ ăn lành mạnh có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và cải thiện tình trạng bệnh.

Trong cơ thể, acid uric được hình thành do sự thoái biến từ các nhân purin. Một phần không nhỏ của lượng purin này có nguồn gốc từ thức ăn hàng ngày. Do vậy, đối với người bệnh gout, chế độ ăn hợp lý đóng vai trò rất quan trọng trọng việc góp phần cải thiện bệnh.

1. Một số thực phẩm cần tránh

- Thịt đỏ: là các loại thịt có màu sắc đỏ tươi khi sống như thịt bò, thịt cừu, thịt dê, thịt heo... Thịt đỏ chứa hàm lượng purin cao (trên 150 mg/100g) trong khi đó người bị bệnh gout chỉ được sử dụng tối đa 135-150mg purin/ ngày. Tuy nhiên người bệnh vẫn có thể sử dụng thịt heo, thịt bò nhưng với lượng hạn chế (dưới 70g) để tránh làm acid uric tăng cao trong máu.

- Cá biển: Cá biển là thực phẩm có chứa lượng purin cao, đặc biệt là các loại cá như cá thu, cá ngừ, cá trích...Người bệnh có thể sử dụng một lượng nhỏ các thực phẩm này nhưng nên hạn chế. Đặc biệt, cần hạn chế tuyệt đối cá trích, cá ngừ, cá cơm trong các bữa ăn hàng ngày vì những loại cá này có chứa nhiều chất đạm và mỡ, đây là những chất béo làm ức chế việc đào thải acid uric máu, làm bệnh tình ngày càng nặng hơn. Dân đến việc người bệnh sẽ thường xuyên bị đau nhức cơ, khớp và hạn chế vận động hơn. Thay vào đó, người bệnh nên sử dụng các loại cá đồng vì chúng có chứa ít purin hơn.

- Hải sản: Các loại hải sản như tôm, cua, sò, ốc... chứa nhiều chất đạm, chất dinh dưỡng, nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, hải sản lại chứa hàm lượng purin rất cao không tốt cho người bệnh gout, do vậy nên hạn chế sử dụng để tránh acid uric máu tăng cao.

- Các loại nội tạng động vật: gan, tim, lòng, thận... Các thực phẩm này thậm chí còn chứa lượng purin cao hơn cả thịt đỏ, người bệnh nên hết sức tránh các loại thực phẩm này.

- Đồ uống có chứa cồn như rượu, bia..: cũng giống như thịt đỏ hay hải sản, các loại đồ uống này có hàm lượng purin cao, ngoài ra chúng còn làm suy giảm chức năng gan thận và ngăn cản đào thải acid uric ở ống thận, do đó những người bị gout nên hạn chế uống bia, rượu để tránh làm bệnh nặng thêm.

Người bệnh gout cũng nên tránh sử dụng những thực phẩm chứa nhiều fructose như:

- Các loại nước ngọt, nước có ga…

- Mật ong, các loại si-rô...

Mặc dù những thực phẩm này không chứa nhiều purin, nhưng để cơ thể có thể tiêu thụ lượng fructose lớn trong các thực phẩm này cần sử dụng năng lượng từ phân tử ATP (adenosin triphosphat). Quá trình này kích thích cơ thể sản xuất acid uric, vì thế có thể làm trầm trọng hơn tình trạng tăng acid uric máu ở người bệnh.

Với người bệnh gout, việc hạn chế các thức ăn giàu purin kể trên đóng một phần không nhỏ trong việc hỗ trợ cải thiện bệnh và giảm nguy cơ gặp cơn gout tái phát.

2. Các thực phẩm tốt với bênh nhân gout

- Sữa và các sản phẩm từ sữa

Theo nhiều nghiên cứu được báo cáo sữa và các sản phẩm từ sữa được coi là yếu tố quan trọng trong chế độ ăn uống giúp giảm acid uric trong máu và sự phát triển của gout cấp tính. Khi sử dụng 80g sữa đã được phân lập protein (isolated dairy protein) có thành phần chính là casein và lactalbumin có tác dụng giảm đáng kể nồng độ acid uric trong máu trong 3 giờ. Trong sữa cũng có acid orotic giúp giảm tái hấp thu acid uric trong ống thận, nhờ đó tăng thải acid uric ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, glycomacropeptid trong sữa có tác dụng chống viêm nhờ ức chế biểu hiện gen và protein của interleukin-1-beta.

Người bệnh gout có thể sử dụng các loại sữa ít béo (low fat milk), sữa chua, sữa gầy (skim milk), sữa chua…

- Cà phê

Acid chlorogenic, một polyphenol trong cà phê đã được chứng minh là có tính ức chế hoạt động của xanthine oxidase (enzyme xúc tác sự tạo thành acid uric từ purin). Ngoài ra, một số nghiên cứu dịch tễ và thực nghiệm còn cho thấy acid chlorogenic có vai trò ngăn ngừa tình trạng kháng insulin, nên có thể còn có lợi cho bệnh nhân mắc kèm bệnh đái tháo đường. Vì vậy người mắc bệnh gout có thể sử dụng cà phê với một lượng nhỏ, thích hợp.

Mặt khác, do cà phê có chứa hàm lượng oxalat cao nên những người mắc kèm bệnh sỏi thận hoặc có tiền sử mắc sỏi thận nên hạn chế dùng cà phê.

- Vitamin C

Theo nghiên cứu của chuyên gia y tế cho 1387 nam giới cho thấy giảm nồng độ acid uric trong huyết thanh khi sử dụng vitamin C. Vitamin C được cho rằng giảm nồng đọ acid uric trong máu bằng cách ức chế cạnh tranh anion ở ống lượn gần, giảm tái hấp thu acid uric, cũng có thể là do làm tăng mức lọc cầu thận, tăng thải acid uric. Ngoài ra, vitamin C đã được chứng minh rõ ràng là có tính chống oxy hóa, giúp hỗ trợ bệnh gout.

Tuy nhiên vitamin C nên sử dụng vitamin C với liều trên 1 gram/1 ngày có thể gặp bệnh Scorbut, tăng sỏi thận oxalat. Vì vậy nên người bệnh gout có thể bổ sung vitamin bằng chế độ ăn hàng ngày từ những thực phẩm giàu vitamin C như cam, ổi, chanh, bưởi, cà chua, rau cải xoong... sẽ rất có lợi cho việc cải thiện bệnh.

- Quả anh đào (quả cherry)

Trong quả anh đào có chứa chất chống oxy hóa và chống viêm giúp cải thiện bệnh gout cấp. Một nghiên cứu ở 18 người khỏe mạnh ăn 280g quả cherry mỗi ngày trong 1 tháng cho thấy giảm nồng độ của các chất hóa học liên quan đến viêm và hoạt động của tế bào miễn dịch. Một nghiên cứu khác trên 663 bệnh nhân bị gout trong 1 năm cho thấy những người ăn cherry hàng ngày giúp giảm nguy cơ bị gout xuống khoảng 35%. Vì vậy, quả anh đào là một trái cây rất tốt đối với người bệnh gout, giúp giảm nồng độ acid uric trong huyết thanh, ngăn ngừa các tai biến lâu dài do gout.

- Thực phẩm chứa ít purine

Acid uric là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa purine ở người, vì vậy giảm lượng purin nạp vào hàng ngày có thể giảm lượng acid uric trong máu.

Hàm lượng purin trong một số thực phẩm:

Ngoài việc ăn uống hợp lý, người bệnh nên kết hợp vận động, rèn luyện cơ thể hàng ngày, đồng thời sử dụng các loại thuốc đặc trị Gout phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh một cách tốt nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Nonpharmacological Management of Gout and Hyperuricemia: Hints for Better Lifestyle – Miki Kakutani-Hatayama, Manabu Kadoy và Tetsuya Yamamoto.

 

Người viết bài:

SV. Nguyễn Diệu Quế Anh, SV. Nguyễn Thủy

Hiệu đính: TS.DS. Ngô Thiện

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận