Thoái hóa khớp là bệnh khớp tiến triển chậm với những biểu hiện âm thầm, thường xuất hiện ở những người từ lứa tuổi trung niên đến người cao tuổi. Với tỉ lệ 49,7% những người từ 65 tuổi trở lên mắc bệnh, viêm thoái hóa khớp đang là vấn đề cần quan tâm để phát hiện, phòng tránh và can thiệp kịp thời.
Vậy viêm thoái hóa khớp là gì? Triệu chứng của viêm thoái hóa khớp như thế nào? Nguyên nhân do đâu?
1. ĐỊNH NGHĨA
Viêm thoái hóa khớp là tình trạng thoái triển của khớp, đặc trưng bởi sự phá hủy của lớp sụn bên trong khớp giữa hai đầu xương. Sụn khớp thường bị phá hủy do căng thẳng cơ học hoặc thay đổi sinh hóa trong cơ thế, khiến xương dưới sụn bị tổn thương. Viêm khớp thoái hóa có thể xảy ra cùng với các loại viêm khớp khác như bệnh gút hoặc viêm khớp dạng thấp
Xem thêm: Phân biệt viêm thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp
Dựa trên nguyên nhân và các yếu tố tồn tại từ trước, thoái hóa khớp được phân làm hai loại: thoái hóa khớp nguyên phát và thoái hóa khớp thức phát. Tuy nhiên, cả hai loại thoái hóa này đều có các biến đổi tương tự về tổ chức sụn khớp. Thoái hóa khớp nguyên phát thường gặp và không xác định được nguyên nhân cũng như các yếu tố thuận lợi. Thoái hóa khớp thứ phát ít gặp hơn và thường sau các nguyên nhân như bệnh chuyển hóa, chấn thương và các bất thường về giải phẫu.
2. DỊCH TỄ HỌC
Viêm thoái hóa khớp gặp ở hầu hết mọi quốc gia, chủng tộc và vùng địa lý. Ước tính tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp thay đổi tùy theo nhóm tuổi, giới tính, nhóm dân tộc và các loại khớp liên quan. 22,7% người trên 18 tuổi mắc viêm thoái hóa khớp nhưng nếu chỉ xét những người từ 65 tuổi trở lên, tỉ lệ này lên tới 65%.
Các khớp bị viêm thoái hóa nhiều nhất theo thống kê là các khớp gối, tay, hông là khớp thường được sử dụng nhiều hoặc chịu lực lớn của cơ thể.
Trước tuổi 50, nam giới có nhiều khả năng mắc hơn phụ nữ do tỷ lệ chơi thể thao và chấn thương khác cao hơn. Tuy nhiên, phụ nữ có tỷ lệ viêm khớp hông và gối lại cao hơn nam giới..
3. NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ
Nguyên nhân của viêm khớp thoái hóa do nhiều yếu tố và rất phức tạp, phụ thuộc vào sự tương tác giữa các yêu sốt như di truyền và chấn thương khớp.
Các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất cho sự phát triển của viêm thoái hóa khớp gồm: tuổi tác, béo phì, giới tình, nghề nghiệp, vận động thể thao, tiền sư chấn thương khớp hoặc phẫu thuật, di truyền.
Sụn khớp có tính chất nhớt dẻo cung cấp dầu bôi trơn cho chuyển động, hấp thụ sốc trong các chuyển động nhanh và hỗ trợ tải. Nhưng yếu tố cơ học tại chỗ, yếu tố di truyền, viêm và chức năng tế bào sụn dị thường dẫn đến mất sụn khớp, là yếu tố đóng góp quan trọng gây lên viêm khớp thoái hóa. Khi đó, trong hoạt dịch khớp, những thay đổi về viêm có thể xảy ra bao gồm tinh thể hoặc mảnh vỡ sụn trong dịch khớp, cùng các chất khác như interleukin-1, prostaglandin E2, TNF-α và nitric oxide gây ra các triệu chứng của viêm thoái hóa khớp.
4. TRIỆU CHỨNG VIÊM THOÁI HÓA KHỚP
Viêm thoái hóa khớp thường khởi phát ở những người trên 40 tuổi. Triệu chứng của viêm thoái hóa khớp sẽ khác nhau tùy vào vị trí thoái hóa khớp.
Tuy nhiên, các triệu chứng đặc trưng của viêm thoái hóa khớp bao gồm:
- Đau: là biểu hiện sớm và chủ yếu của thoái hóa khớp. Triệu chứng này ảnh hướng đến một hoặc một vài khớp tại một thời điểm. Đôi khi, triệu chứng đau khởi phát âm thầm, tiến triển chậm qua nhiều năm, cường độ đau biến đôi có thể thành các cơn. Đặc biệt, đau tăng khi sử dụng khớp, nghỉ ngơi thì hết đau.
- Cứng khớp: Người bị viêm thoái khớp có thể xuất hiện hiện tượng cứng khớp vào buổi sáng trong thời gian ngắn (<30 phút) hoặc liên quan đến việc không hoạt động. Đây là một tiêu chuẩn trong phân biệt giữa viêm khớp thoái hóa và viêm khớp dạng thấp. (Xem thêm)
- Sưng: một số bệnh nhân khi bị viêm thoái hóa các khớp lớn có biểu hiện sưng và/ hoặc biến dạng.
Xem thêm Viêm thoái hóa khớp: bảng mô tả triệu chứng của từng vị trí thoái hóa.
Thoái hóa khớp là bệnh tiến triển chậm, vì vậy, điều trị thoái hóa khớp đòi hỏi phải phối hợp nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu điều trị là giảm các triệu chứng đau và cải thiện chức năng vận động của người bệnh.
--------------------------------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. American College of Rhematology
2. Pharmacotherapy 9th
3. National Collaborating Centre for Chronic Conditions 2008
4. Bệnh học nội khoa, Đại học Y Hà Nội, 2012