VIÊM THOÁI HÓA KHỚP: TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG TỪNG KHỚP

Tổn thương sụn nằm giữa hai đầu xương, tổ chức sụn bị mòn là những tổn thương thực thể ở các vị trí khớp. Viêm thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia lãnh thổ nào, bất kỳ giới tính nào cũng như bất kỳ khớp nào. Tuy nhiên, các khớp hay bị thoái hóa nhất là các khớp chịu tác động lực lớn của cơ thể như khớp gối, khớp háng, cột sống thắt lưng, đốt sống cổ. 
Triệu chứng chung của viêm thoái hóa khớp dù ở bất kỳ khớp nào là đau, sưng, cứng khớp. Tùy vào vị trí khớp, các triệu chứng này sẽ có những tính chất khác nhau.

1.    TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG THOÁI HÓA KHỚP NGOẠI VI
Biểu hiện lâm sàng của thoái hóa khớp ban đầu thường thầm lặng và thay đổi tùy theo từng người bệnh, vị trí khớp tổn thương, mức độ tổn thương và số khớp bị tổn thương. Người bệnh có thể cảm nhận thấy các triệu chứng sau:
-    Đau xuất hiện ở vị trí khớp bị tổn thương, đau tăng lên khi vận động như đi bộ xa, mang vác vật nặng và giảm khi đi nghỉ. Đau ít xuất hiện ban đêm ngoài trừ thoái hóa khớp đang tiến triển và có viêm màng hoạt dịch đi kèm
-    Cứng khớp: thường xuất hiện vào buổi sáng hoặc sau thời gian ngừng vận động. Cứng khớp thường ngắn dưới 10 phút. Khi cứng khớp kéo dài cần loại trừ các bệnh lý viêm khớp như viêm khớp dạng thấp.
-    Hạn chế vận động của các khớp, người bị thoái hóa khớp sẽ khó khăn trong vận động sinh hoạt hàng ngày. Đây là biểu hiện thường xuất hiện sớm và đôi khi là dấu hiệu thực thể duy nhất được phát hiện. Tùy vị trí khớp mà việc hạn chế vận động trên khớp sẽ gây ra hạn chế các hoạt động sinh hoạt như thoái hóa khớp gối sẽ gây khó quỳ gối hoặc ngồi xổm, thoái hóa khớp háng gây khó khăn khi mặc quần, cắt móng chân, tổn thương các khớp chi dưới gây khó khăn khi đi bộ, lên xuống cầu thang. Việc hạn chế vận động khớp là do đau, tình trạng hẹp khe khớp, giảm cơ lực hoặc do tình trạng không ổn định của khớp. 

Ngoài ra khi khám lâm sàng, người bị viêm thoái hóa khớp có thể thấy thêm các biểu hiện như:
-    Sưng do tràn dịch khớp hoặc mọc chồi xương. Sưng khớp thường gặp trong giai đoạn tiến triển của bệnh. Đặc biệt, sưng khớp dễ nhận thấy ở các khớp nhỏ, nông như các khớp ở bàn tay, khớp gối. Với các khớp sâu như khớp vai, khớp háng thì khó phát hiện hơn.
-    Tiếng lạo xạo có thể thể nghe hoặc sờ thấy khi thăm khám khớp hoặc khi người bệnh vận động khớp
-    Biến dạng khớp thường gặp ở giai đoạn muộn do sự phá hủy của sụn khớp, xương dưới sụn, bao khớp, các dây chằng và phần mềm quanh khớp. Biến dạng các khớp ở chi có thể gây tình trạng lệch trục, mất vững và ngắn chi. Tổn thương biến dạng khớp ở bàn tay gây các tổn thương đặc trưng như hạt Heberden (khớp ngón xa) hoặc Bouchard (khớp ngón gần)
-    Dấu hiện kẹt khớp: biểu hiện khi người bệnh đang vận động bình thường thì xuất hiện đau và khó vận động khớp. Khi khám có hạn chế duỗi khớp. Nguyên nhân gây kẹt khớp do các dị vật tư dọ xuất hiện trong ổ khớp và nằm lọt vào khe khớp.
-    Trong một số trường hợp, thoái hóa khớp háng có thể gây đau ở khớp gối hoặc dọc đùi giống như bệnh lý ở cột sống hoặc tổn thương thần kinh. Tuy nhiên khám vận động khớp gối, cột sống và thần kinh bình thường trong khi có đau và hạn chế các động tác vận động của khớp háng.

2.    TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG THOÁI HÓA CỘT SỐNG
Thoái hóa cột sống thường xảy ra ở hai vị trí là cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Tổn thương có thể ở đốt sống, đĩa đệm hoặc cả đốt sống và đĩa đệm.
2.1.    THOÁI HÓA CỘT SỐNG CỔ
Biểu hiện lâm sàng của thoái hóa thường thể hiện bằng đau ở phần sau cột sống và tùy thuộc vào vị trí của đốt sống hoặc đĩa đệm bị tổn thương.
-    Đau có thể lan lên vùng chẩm, phía trước ngực, vùng đai vai, cánh tay, cẳng tay và bàn tay.
-    Đau có thể tăng lên khi vận động, nhất là các động tác thụ động của cột sống cổ.
-    Trong một số trường hợp, người bệnh có dị cảm da kèm theo đau, xuất hiện ở bàn tay.
-    Đau lan xuống tay và tăng lên khi ngửa đầu ra sau hoặc nghiêng đầu về bên tổn thương.
Trường hợp nặng có thể chèn ép tủy cổ gây ra các triệu chứng liệt nhẹ hoặc liệt hoàn toàn hai chi dưới

2.2.    THOÁI HÓA CỘT SỐNG THẮT LƯNG
Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể biểu hiện bằng một trong số các tình trạng bệnh lý sau: hẹp ống sống cột sống thắt lưng, bệnh lý rễ thần kinh do hẹp lỗ liên hợp, đau lưng cấp không có tổn thương rễ, đau lưng mạn không có tổn thương rễ và đau cột sống thắt lưng với các biểu hiện tổn thương rễ thần kinh
-    Hẹp ống sống: thông thường không có biểu hiện triệu chứng. Khi mức độ hẹp nhiều, bệnh nhân thoái hóa cột sống thắt lưng có dấu hiệu đau cách hồi thần kinh, đau vùng cột sống thắt lưng và mông hoặc chân xuất hiện khi đi hoặc đứng và giảm khi ngồi. Đau thường xuất hiện ở cả 2 chân.
-    Bệnh lý rễ thần kinh do hẹp lỗ liên hợp gây ra bởi các tổn thương của xương và đĩa đệm như gai xương, thoát vị đĩa đệm sang bên, phì đại khớp liên mấu: triệu chứng biểu hiện đau kiểu rễ xuất hiện một bên (thiên về bên tổn thương)
-    Đau vùng thắt lưng cấp và mạn không kèm tổn thương rễ. Việc đau vùng thắt lưng là cấp hay mạn dựa trên thời gian đau:
+ Đau vùng thắt lưng cấp: thời gian đau dưới 3 tháng
+ Đau vùng thắt lưng mạn: thời gian đau kéo dài trên 12 tuần
Đau xuất hiện ở vùng cột sống thắt lưng, thường đau tại chỗ. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể thấy đau lan xuống phần thấp của một bên mông và phần trên của đùi.
-    Đau vùng thắt lưng kèm tổn thương rễ: nguyên nhân chủ yếu do thoát vị đĩa đệm có chèn ép vào rễ thần kinh. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là sự kết hợp đau cột sống thắt lưng kèm theo đau thần kinh tọa một hoặc cả hai bên. Trên khám lâm sàng, người bệnh có thể bị vẹo cột sống và co cứng cơ cột sống một hoặc hai bên. Với trường hợp, bệnh nhân bị chèn ép nhiều có thể thấy thay đổi phản xạ gân xương và giảm cơ lực ở chân bị bệnh.
Dựa trên các triệu chứng lâm sàng điển hình, bác sỹ có thể nghi ngờ bệnh nhân có bị viêm thoái hóa khớp hay không, và nếu viêm, vị trí thoái hóa khớp sẽ ở đâu. Để chẩn đoán xác định viêm thoái hóa khớp, các bác sỹ không chỉ dựa trên các triệu chứng lâm sàng mà sẽ dựa trên kết quả cận lâm sàng như cụp X-quang, xét nghiệm máu để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, gout mạn..

-----------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bệnh học nội khoa, Đại học Y Hà Nội, 2012
 

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận