Gout và đái tháo đường là hai bệnh mạn tính liên quan đến quá trình chuyển hóa phổ biến hiện nay.
Hai bệnh này có vẻ chỉ là hai bệnh độc lập với việc ảnh hưởng lên hai chất chuyển hóa khác nhau là glucose và acid uric. Tuy nhiên các nhà khoa học trên thế giới đã tìm ra được mối liên quan mật thiết của của chúng.
1. Khái niệm
Gout là bệnh mạn tính liên quan đến tình trạng acid uric trong máu quá cao, gây lắng đọng các tinh thể urat trong khớp, gây các chứng viêm, đau.
Đái tháo đường là bệnh mạn tính liên quan đến rối loạn chuyển hóa, đặc trưng bởi tình trạng nồng độ glucose máu cao, do khiếm khuyết về tiết insulin hay về tác động của insulin, cũng có thể là cả hai.
2. Acid uric tăng cao ảnh hưởng đến đái tháo đường ra sao?
Việc phát hiện yếu tố nguy cơ ảnh hường đến đái tháo đường typ 2 có thể giúp người bệnh kịp thời phát hiện và phòng ngừa sớm.
Trong một luận văn phân tích, tổng hợp dữ liệu từ 11 nghiên cứu thuần tập chỉ ra rằng khi acid uric máu tăng thêm 1 mg/dL có thể làm tăng thêm 17% nguy cơ mắc đái tháo đường typ 2. Một nghiên cứu khác với cỡ mẫu rất lớn khác, với 32016 người tham gia và 2930 người mắc đái tháo đường type 2, theo dõi trong vòng 3,5 năm đến 28 năm, cho thấy cứ tăng 1 mg/dL acid uric máu, bệnh nhân có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 tăng thêm 6% nguy cơ mắc đái tháo đường type 2.
Vì vậy tăng acid uric có thể liên quan đến nguy cơ mắc đái tháo đường.
3. Một số cơ chế
Một số cơ chế của mối liên quan giữa acid uric máu và bệnh đái tháo đường
3.1. Cơ chế viêm
Nồng độ acid uric trong máu cao làm tăng sự biểu hiện của các yếu tố gây viêm như IL-1β, IL-6, TNF-α, và sản xuất CRP. Trong các nghiên cứu trên động vật cho thấy việc kích hoạt quá trình viêm này làm giảm độ nhạy insulin ở chuột.
3.2. Rối loạn chức năng nội mô
Acid uric ức chế sự tăng sinh và di chuyển của các tế bào nội mô và tiết ra nitric monoxid (NO). Acid uric tác dụng với NO tạo ra 6-aminouracil, là các chất có hoạt tính oxy hóa mạnh gây tổn thương các tể bào, có thể gây tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Ngoài ra, acid uric còn kìm hãm sự hấp thu và tăng phân hủy L-arginine (chất làm tăng độ nhạy cảm của ínulin với thụ thể).
3.3. Ức chế insulin
Acid ức chế trực tiếp đường truyền tín hiệu của insulin qua việc gắn vào ectonucleotide pyrophosphatase/phosphodiesterase 1 ở cấp độ receptor.
Acid uric tăng có liên quan chặt chẽ hơn với giai đoạn đầu của cơ chế gây bệnh, góp phần vào sự tiến triển giai đoạn đầu của đái tháo đường type 2 hơn là giai đoạn muộn.
Tuy nhiên, những cơ chế cụ thể, kết luận về mối liên quan giữa nồng độ acid uric máu cao và bệnh lý đái tháo đường vẫn còn nhiều tranh cãi.
4. Acid uric làm tăng mức độ tiến triển các biến chứng của đái tháo đường
Một số cơ chế được đưa ra cho giả thiết này:
4.1. Hoạt hóa hệ thống renin-angiotensin-aldosterone (RAAS)
Acid uric hoạt hóa hệ thống RAAS qua việc tăng sản xuất renin ở cầu thận. Ngoài ra, các chất oxy hoạt tính (Reactive oxygen species - ROS) do acid uric sản xuất ra làm tăng lượng angiotensin II trong máu làm giải phóng aldosterone, hoạt hóa RAAS. Hệ thống RAAS được kích hoạt làm gây ra một loạt các thay đổi bệnh lý trong đái tháo đường như rối loạn chức năng mạch máu, áp lực nội cầu thận cao, viêm nhiễm,…dẫn đến các biễn chứng tim mạch và thận.
4.2. Kết dính tiểu cầu
Acid uric kích hoạt sự kết tập và kết dính tiểu cầu, thúc đẩy sự hình thành huyết khối, gây các biến chứng tim mạch.
5. Đái tháo đường liên quan đến gout như thế nào?
Các nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng ở những người đang mắc tiểu đường, nguy cơ mắc bệnh gout không tăng.
Một nghiên cứu khác cho thấy, ở bệnh nhân đái tháo đường, khi sử dụng nguồn insulin ngoại sinh (có tác dụng làm giảm đường huyết), nồng độ acid uric có nguy cơ tăng. Điều này được giải thích thích rằng do insulin làm tăng tái hấp thu acid uric ở ống thận bằng cách kích thích chất vật chuyển anion urat trên màng ống lượn gần. Tuy nhiên, sự tăng insulin làm hoạt hóa shunt hexose phosphate giúp thúc đẩy quá trình tổng hợp và chuyển hóa purin, có thể dẫn tới tăng tạo thành acid uric trong máu.
Một số nghiên cứu khác cho thấy các thuốc điều trị đái tháo đường cũng có vai trò trong điều chỉnh nồng độ acid uric trong máu, đặc biệt có empagliflozin (chất ức chế đồng vận chuyển natri-glucose 2).
Vì vậy, nhìn chung, nguy cơ mắc bệnh gout không tăng ở bệnh nhân mắc đái tháo đường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
“Effect of Uric Acid on Diabetes Mellitus and Its Chronic Complication” (2019)
“High Serum Uric Acid and Increased Risk of Type 2 Diabetes: A Systemic Review and Meta-Analysis of Prospective Cohort Studies”(2013)
“A Mendelian randomization study of circulating uric acid and type 2 diabetes” (2015)
“The association between serum uric acid and the incidence of prediabetes and type 2 diabetes mellitus: The Rotterdam Study” (2018)
Người viết bài: SV. Nguyễn Thủy
Hiệu đính: TS.DS. Ngô Thiện
_________
Để nhận tư vấn về sản phẩm và đặt hàng, vui lòng liên hệ: CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM FYKOFA Hotline: 1800 234 555 (Miễn phí) |