1. Định nghĩa
Đái tháo đường là bệnh lý chuyển hóa với đặc trưng bởi việc tăng glucose máu do insulin tác dụng kém hay tiết insulin bị thiếu hụt hoặc do cả hai. Khi việc tăng glucose máu mạn tính sẽ dẫn đến rối loạn chức năng và suy yếu nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim mạch.
Đái tháo đường được phân làm các loại:
- Đái tháo đường type 1
- Đái tháo đường type 2
- Đái tháo đường thai kỳ
- Một số type đặc hiệu khác: thương tổn chức năng tế bào di truyền (thể MOLY 1, thể MOLY 2, thể MOLY 3), thương tổn tác dụng insulin di truyền (đề kháng insulin type A), bệnh lý tụy ngoại tiết (viêm tụy, ung thư tụy, sỏi tụy,…),do thuốc (điều trị HIV/AIDS), bệnh lý nội tiết (hội chứng Crushing, cường giáp,…), đái tháo đường tự miễn hiếm gặp ( hội chứng Stiffman, kháng thể kháng thụ thể insulin),…
2. Cơ chế của đái tháo đường
2.1. Đái tháo đường type 1
Bệnh xảy ra khi một hoặc tất cả các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy (tế bào β đảo tụy) bị phá hủy dẫn đến bệnh nhân có ít hoặc không có insulin. Khi không có insulin đường sẽ tích tụ vào máu hơn là đi vào tế bào khiến cơ thể không sử dụng được glucose làm năng lượng. Nguyên nhân khiến tế bào β đảo tụy bị phá hủy có thể do tự miễn hoặc vô căn.
2.2. Đái tháo đường type 2
- Rối loạn tiết insulin: do bất thường về nhịp tiết và động học bài tiết insulin hoặc suy giảm bài tiết insulin.
- Kháng insulin: tình trạng này thấy ở hầu hết các bệnh nhân đái tháo đường type 2 khi khả năng bài tiết insulin của tế bào β đảo tụy không đáp ứng được nhu cầu chuyển hóa dẫn đến glucose máu tăng.
- Yếu tố di truyền: có vai trò đóng góp cho tình trạng kháng insulin. Ngoài ra một số yếu tố khác như béo phì, nhất là béo bụng, lười vận động, tuổi cao cũng gây ra tình trạng kháng insilin.
3. Chẩn đoán đái tháo đường
Theo hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2020, chẩn đoan dựa trên 1 trong 4 tiêu chuẩn:
- Nồng độ glucose lúc đói ≥ 126mg/dl (hay 7.0 mmol/l), bệnh nhân nhịn ăn ít nhất 8 giờ.
- Sử dụng nghiệm pháp dung nạp glucose ( uống nhanh trong 5 phút 75g glucose hòa tan vào 250 đến 300ml nước): nồng độ glucose sau 2 giờ ≥ 200mg/dl (hay 11.1 mmol/l)
- Trị số HbA1c ≥ 6.5% (hay 48 mmol/mol)
- Người có triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết (uống nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều, sụt cân): nồng độ glucose máu ≥ 200mg/dl (hay 11.1 mmol/dl)
4. Một số biến chứng của đái tháo đường
4.1. Biến chứng cấp tính
- Hôn mê do toan ceton
- Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu
- Hôn mê do toan lactic
- Hôn mê do hạ đường máu
4.2. Biến chứng mạn tính
- Biến chứng mạch máu: bệnh mạch vành, tăng huyết áp, nhồi máu não hoặc xuất huyết não,…
- Biến chứng võng mạc: đục thủy tinh thể, glaucoma,…
- Biến chứng thận: suy thận, viêm hoại tử đài bể thận,..
- Biến chứng thần kinh: viêm đa dây thần kinh ngoại biên, teo cơ, liệt dạ dày, liệt đại tràng,…
- Biến chứng tim mạch: hạ huyết áp tư thế, rối loạn nhịp tim, ngừng tim.
- Biến chứng bàn chân: loét bàn chân
- Biến chứng nhiễm trùng: lao, nấm da, nhiễm tụ cầu da,…
5. Chế độ sinh hoạt thích hợp cho người bị đái tháo đường
5.1. Chế độ vận động
Bệnh nhân đái tháo đường nên thực hiện các bài tập thể thao như đi bộ, đạp xe,… đều đặn hàng ngày với mức độ tương đương nhau hơn là các bài tập gắng sức trong thời gian ngắn.
5.2. Chế độ ăn
Chế độ ăn của người bệnh tiểu đường có nhiều lưu ý, liên quan đến các nhóm thực phẩm khác nhau:
- Glucid: nên dùng các loại tinh bột như bánh mỳ, gạo.., tránh các thực phẩm chứa đường hấp thu nhanh như kẹo, bánh ngọt,…
- Lipid: có thể dùng các loại dầu thực vật, dầu cá,…
- Protid: nên sử dụng nguồn protein từ thực vật như đậu đen, đậu hà lan, đậu nành,…cá và các loại hải sản.
Bữa ăn hàng ngày của người bệnh nên được chia thành nhiều bữa nhỏ và đảm bảo cân nặng lý tưởng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Giáo trình Bệnh học nội khoa, tập 1 - Đại học y Hà Nội
2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường 2020 - ADA (HIệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ)
Người viết bài: SV. Nguyễn Thủy
Hiệu đính: TS. DS. Ngô Thiện
________
Để nhận tư vấn về sản phẩm và đặt hàng, vui lòng liên hệ: CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM FYKOFA Hotline: 1800 234 555 (Miễn phí) |