CƠ CHẾ GÂY BỆNH GOUT (GÚT)

Bệnh gút, theo Y học cổ truyền còn gọi là thống phong, là một loại viêm khớp, thường gặp ở nam giới. Phần lớn các bệnh nhân gút được chẩn đoán là nam giới tuổi trung niên có cơn gút cấp trên một tiền sử bệnh tiềm ẩn và phần lớn bệnh nhân có uống rượu thường xuyên.

Cơ chế hình thành bệnh là do sự lắng đọng các tinh thể urat ở tổ chức.

Vậy tinh thể urat là gì? Tinh thể này có nguồn gốc từ đâu?

Hình. Tinh thể urat

Natri urat là muối được hình thành từ acid uric, một hóa chất tự nhiên trong cơ thể. Acid uric là một trong các sản phẩm chuyển hóa tự nhiên của cơ thể, được tạo thành từ sự giáng hóa các nucleotide có base là purin (RNA và DNA, là nguyên liệu di truyền trong tế bào).

Có 3 nguồn cung cấp acid uric là:

  • Do phân hủy acid nucleic từ thức ăn đưa vào.
  • Do phân hủy acid nucleic từ các tế bào bị chết
  • Do tổng hợp nội sinh và chuyển hoá purin trong cơ thể nhờ các enzyme đặc hiệu.

Hình. Cơ chế bệnh sinh của bệnh gout

Ở trên người bình thường, acid uric có trọng lượng phân tử thấp, có thể được hòa tan trong máu. Sau đó acid uric sẽ được lọc và đào thải qua thận và hệ thống tiêu hóa, ra khỏi cơ thể. Khi qua thận, acid uric được cầu thận lọc hoàn toàn, rồi tái hấp thu gần hoàn toàn ở ống lượn gần cuối cùng được ở bài tiết ống lượn xa. Trong phân, acid uric được các vi khuẩn phân huỷ. Acid uric được đào thải qua nước tiểu 450-500 mg/ngày và trong phân 200 mg/ngày.

Bình thường, nồng độ acid uric trong máu, đối với nam giới là 210 - 420 umol/L, đối với nữ giới là 150 - 350 umol/L.

Tuy nhiên, do một số yếu tố bất thường, nồng độ acid uric trong máu vượt quá ngưỡng trên thì được gọi là tăng acid uric máu. Dưới đây là các nguyên nhân làm tăng acid uric máu:

  • Tăng sản xuất acid uric
  • Dùng nhiều thức ăn có chứa nhiều purin
  • Tăng thoái giáng nucleoprotein tế bào
  • Tăng tổng hợp purin nội sinh.
  • Giảm đào thải acid uric niệu: giảm độ lọc cầu thận, giảm bài tiết của ống thận.

Trong một số thực phẩm, hàm lượng protein và acid uric rất dồi dào. Ví dụ như các loại thịt có màu đỏ (như thịt bò, thịt chó…), một số cơ quan nội tạng động vật (như gan, thận…), hoặc một số loại hải sản có vỏ và ca cơm. Chế độ ăn giàu các thực phẩm này có thể dẫn đến tình trạng acid uric máu tăng cao.

Khi acid uric máu tăng cao, vượt quá khả năng hòa tan của dịch ngoại bào, sẽ dẫn đến việc hình thành các muối urat, lắng đọng ở mô. Sự tích lũy urat ở mô, tạo nên các microtophi. Khi các hạt tophi tại sụn khớp bị vỡ sẽ khởi phát cơn gút cấp; sự lắng đọng vi tinh thể cạnh khớp, trong màng hoạt dịch, trong mô sụn và mô xương sẽ dẫn đến bệnh xương khớp mạn tính do gút. Sự có mặt vi tinh thể urat tại mô mềm, bao gân tạo nên hạt tophi. Tinh thể urat lắng đọng ở tổ chức kẽ thận có thể gây tình trạng viêm thận kẽ (bệnh thận do gút). Acid uric niệu tăng và sự toan hóa nước tiểu dẫn đến sỏi tiết niệu trong bệnh gút.

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận