Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, sự quan tâm tới sức khỏe của mọi người ngày càng gia tăng, tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng cần phải đi tới bệnh viện hay thăm khám bác sĩ hoặc đôi khi chúng ta cần sơ cứu bước đầu trước những tai nạn. Do đó tủ thuốc trong mỗi gia đình là vật dụng KHÔNG NÊN THIẾU và KHÔNG THỂ THIẾU.
Tủ thuốc gia đình không chỉ có chức năng giúp phòng bệnh, điều trị bệnh, tăng cường sức khỏe mà đặc biệt là giúp CAN THIỆP KỊP THỜI bước đầu khi xảy ra những tai nạn ngoài ý muốn. Ví dụ như, khi trẻ bị sốt cao, cần thuốc hạ sốt kịp thời phòng trường hợp co giật. Hoặc trẻ bị tiêu chảy cấp cần kịp thời bổ sung nước/ điện giải để phòng trẻ kiệt nước, có nguy cơ dẫn tới tử vong.
1. CÁC LOẠI TỦ THUỐC GIA ĐÌNH
Hiện nay có rất nhiều loại tủ thuốc gia đình như loại tủ thuốc gỗ hoặc inox: Loại tủ thuốc này có thể treo lên tường, tiết kiệm không gian cũng như thuận tiện trong việc quản lý; Loại tủ thuốc dạng hộp thuốc nhựa – chia làm nhiều ngăn, tiết kiệm diện tích và dễ dàng trong việc vận chuyển hoặc sử dụng khi dã ngoại; Túi thuốc gia đình – tuy có diện tích nhỏ; nhưng lại vô cùng thuận tiện cho những chuyến đi xa dài ngày.
2. TỦ THUỐC GIA ĐÌNH CẦN NHỮNG GÌ?
Với một tủ thuốc thông thường, các bạn nên có các loại thuốc thiết yếu không cần kê đơn và dụng cụ y tế thiết yếu, thông thường;
(Đọc thêm bài: 10 NHÓM THUỐC THIẾT YẾU VÀ DỤNG CỤ Y TẾ CẦN CÓ TRONG TỦ THUỐC GIA ĐÌNH?)
3. LƯU Ý LIÊN QUAN TỚI SỬ DỤNG TỦ THUỐC GIA ĐÌNH
Cần lưu ý về HẠN SỬ DỤNG của thuốc: hạn sử dụng được ghi rõ trên bao bì, tuy nhiên đó là hạn sử dụng khi chưa mở sản phẩm; Sau khi mở và sử dụng thời gian sử dụng của thuốc sẽ bị thay đổi, do đó cần sử dụng theo đúng hướng dẫn được ghi trong tờ HDSD thuốc.
Việc sắp xếp, bố trí tủ thuốc cần phải gọn gàng, hợp lý dễ dàng khi lấy thuốc khẩn cấp. Thường xuyên kiểm tra tủ thuôc để loại bỏ những thuốc hết hạn sử dụng vào không có bao bì. Với các loại thuốc dạng nước, dạng kem nên loại bỏ khi nhận thấy màu sắc, tính chất thay đổi. Ngoài ra cần lưu ý việc sắp xếp các loại thuốc giống nhau ở những khu vực khác nhau và ghi nhãn rõ ràng.
Tủ thuốc cần được bảo quản ở nơi khô mát, tránh ánh nắng trực tiếp để đảm bảo chất lượng thuốc được ổn định. Một số thuốc cần phải bảo quản trong tủ lạnh theo khuyến cáo thì không nên đặt ở cánh cửa tủ lạnh ( do nhiệt do thay đổi thường xuyên khi đóng mở tủ); Không nên để quá sâu trong tủ lạnh ( dễ làm thay đổi thể trạng qua đó ảnh hưởng tới chất lượng thuốc).
Ngoài ra, tủ thuốc gia đình cần để xa tầm tay của trẻ em để tránh các trường hợp trẻ nhỏ tự ý sử dụng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
4. KHÁC
Nên có tài liệu hướng dẫn xử trí trong các trường hợp khẩn cấp như: bỏng, đột quỵ….
Nên có danh sách số điện thoại khẩn cấp, số điện thoại cảu bệnh viện nơi gần nhất; số điện thoại liên hệ của bác sĩ gia đình để gọi hỏi thông tin.
(Trích: Tài liệu đào tạo “Sử dụng một số thuốc thông thường an toàn, hợp lý và phòng chống kháng thuốc” – Trung tâm DI & ADR quốc gia)