SỐT XUẤT HUYẾT – PHÂN BIỆT VỚI SỐT PHÁT BAN, SỞI

Sốt xuất huyết, sốt phát ban và sởi là những bệnh lý khác nhau, nhưng có biểu hiện ban đầu khá tương đồng. Do đó, rất dễ bị nhầm lẫn và khó chẩn đoán phân biệt. Việc phát hiện và phân biệt sốt xuất huyết với sốt phát ban, bệnh sởi, sẽ giúp ích cho việc chăm sóc và theo dõi người bệnh.

1. Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết, sốt phát ban, sởi

1.1. Bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan rộng do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Chu kỳ lây nhiễm chủ yếu là muỗi cái Aedes hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue. Virus này được ủ bệnh trong cơ thể muỗi từ 8 đến 11 ngày. Trong thời gian này,  virus tiếp tục được truyền người khác khi bị muỗi đốt.

Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.

Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết có thể gây đau nhức trầm trọng ở cơ và khớp. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, dễ dẫn đến  sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột do sốctử vong.

1.2. Sốt phát ban

Sốt phát ban hầu hết là do nhiễm virus thông thường, Herpes 6 hoặc virus Herpes 7 gây ra ( chiếm 70% - 80%), trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm đa số và hầu hết là những virus lành tính.

Sốt phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi. Bệnh gây sốt cao, ngứa ngáy, khó chịu.

Người bệnh bị nhiễm virus này thông qua tiếp xúc trực tiếp cơ thể với người bị bệnh hoặc trung gian qua các vật dụng cá nhân của họ.

1.3. Bệnh Sởi

Sởi chủng virus Morbillivirus, họ Paramyxoviridae gây nên.

Bệnh có tính chất cấp tính, nguy hiểm và có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời.

2. Phân biệt biểu hiện lâm sàng (dấu hiệu mắc bệnh)

Chẩn đoán phân biệt sốt xuất huyết khá khó khăn, phụ thuộc phần lớn phụ thuộc vào triệu chứng tương ứng với giai đoạn tiến triển của bệnh. Ở giai đoạn đầu, sốt xuất huyết có thể biểu hiện dưới dạng sốt “giống cúm” nhẹ không đặc trưng, tương tự các bệnh khác như cúm, sởi, Zika, Chikungunya, sốt vàng da và sốt rét. Tuy nhiên, sốt xuất huyết có thể dẫn tới sốc, đòi hỏi tiếp cận điều trị khác biệt so với sốc do nhiễm trùng huyết khác.

Các yếu tố dịch tễ, mức độ lưu hành của mầm bệnh có thể giúp định hướng chẩn đoán bệnh.

2.1. Giai đoạn ủ bệnh

Sốt xuất huyết, sốt phát ban và sởi có thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 1 tuần.

2.2. Giai đoạn khởi phát

Giai đoạn khởi phát của sốt phát ban, bệnh sởi thường có biểu hiện khá giống nhau, như bệnh nhân bị sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 – 39 oC), xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao.

Còn sốt xuất huyết, giai đoạn sốt tương đương với giai đoạn khởi phát có các triệu chứng giống như cảm cúm. Người bệnh bắt đầu sốt cao, nhiệt độ có thể tăng một cách đột ngột, sốt lên tới 39 - 40 oC liên tục trong vài ngày. Đi kèm với đó là cảm giác buồn nôn hoặc nôn, đau rát họng, đau hốc mắt, sổ mũi, tiêu chảy.... Cũng giống như sốt siêu vi phát ban, khi sốt xuất huyết, trẻ sẽ than đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp, có thể biếng ăn, biếng bú, hoặc bị nôn ói, tiêu chảy.

2.3. Giai đoạn toàn phát

Sốt phát ban: Sau khi giảm sốt, người bệnh sẽ bị phát ban, đây là hồng ban dạng mịnsáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể của trẻ và sau khi bay thường không để lại dấu tích gì trên da trẻ.

Phát ban do sởi: Lúc đầu ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất theo thứ tự đã nổi trên da. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn, gồ lên mặt da, khi mất sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”.

Sự khác biệt giữa sốt phát ban, bệnh sởi và sốt xuất huyết rõ rệt nhất là vào giai đoạn toàn phát, ở sốt xuất huyếtgiai đoạn nguy hiểm.

Ngoài ra, sốt phát ban còn có triệu chứng nổi ban đỏ giống sốt xuất huyết. Để phân biệt, dùng ngón tay cái và trỏ cùng bên căng vùng da quanh nốt phát ban. Nếu thấy chấm đỏ mất đi, buông tay ra thì chấm đỏ hồi phục ngay, là sốt phát ban. Còn nếu vẫn thấy chấm li ti, hoặc sau 2 giây màu đỏ mới xuất hiện lại là sốt xuất huyết.

Tóm lại, việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết khá khó khăn. Để có thể chẩn đoán chính xác, cần xét thêm các yếu tố dịch tễ và tiến hành các xét nghiệm sinh học phân tử chuyên sâu để kiểm chứng tốt hơn.

Tài liệu tham khảo

1. World Health Organization, Dengue: Guidelines for diagnosis, treatment, prevention and control. New edition. Geneva, Switzerland: WHO, 2009

2. Modhiran N Watterson D Muller DA et al.  . Dengue virus NS1 protein activates cells via Toll-like receptor 4 and disrupts endothelial cell monolayer integrity. Sci Transl Med 2015;7.

3. Kin Fai Tang & Eng Eong Ooi (2012) Diagnosis of dengue: an update, Expert Review of Anti-infective Therapy.

Người viết bài:

SV. Vũ Hoài Hương Giang

SV. Hoàng Quốc Cường

Hiệu đính: TD. DS. Ngô Thiện

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận