Thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp là hai bệnh lý khác nhau, nhưng lại khá tương đồng nhau về triệu chứng do đó khiến không ít người nhầm lẫn. Điều này gây ra những sai lệch trong việc lựa chọn phương pháp điều trị, dẫn đến kết quả không được như mong đợi. Do vậy cần phải xác định rõ vấn đề để lựa chọn cách điều trị cho phù hợp.
Dưới đây là một số điểm khác nhau phân biệt giữa thoái hóa khớp và viêm khớp:
1. Thoái hóa khớp, viêm khớp là gì?
Thoái hóa khớp là tình trạng sụn ở các đầu xương bị bào mòn hoặc phá hủy trầm trọng, giảm dịch nhầy bôi trơn ở các khớp, gây đau đớn khi người bệnh di chuyển do các đầu xương va chạm vào nhau. Tác nhân cơ bản dẫn tới thoái hóa khớp được các nhà khoa học xác định là do quá trình lão hóa tự nhiên của con người, ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như tai nạn, lao động quá sức...
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các tế bào lành, chủ yếu gây viêm khớp và thường là nhiều khớp cùng lúc. Nếu không được điều trị, có thể gây ra những thương tổn vĩnh viễn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
2. Triệu chứng của thoái hoá khớp và viêm khớp dạng thấp
Nhiều người bị nhầm lẫn giữa thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp do những triệu chứng tương tự nhau như:
- Đau khớp, cơn đau thường xuất hiện vào buổi sáng
- Sưng tấy quanh khớp
- Hạn chế vận động
Tuy nhiên, đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau nên chúng vẫn có một số điểm đặc trưng để phân biệt:
Thoái hóa khớp | Viêm khớp dạng thấp |
Các triệu chứng thường tập trung ở một khu vực khớp cụ thể. | Thường gây ảnh hưởng nhiều khớp cùng lúc |
- Thông thường các khớp lớn như đầu gối, háng, vai, cột sống, bàn chân, gót chân...dễ mắc phải thoái hóa khớp. - Đầu gối dễ bị thoái hóa khớp nhất do hoạt động nhiều. |
- Bất kì khớp nào cũng có thể bị ảnh hưởng nhưng thường gặp nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân. - Ngoài ra, còn có thể gây tổn thương đến các cơ quan khác như: da, mắt, phổi, tim và mạch máu… |
Thường không có tính đối xứng. | Thường đối xứng hai bên cơ thể. |
Đau và tê ngứa ở các bộ phận có khớp bị thoái hóa. |
- Có thể gây sốt nhẹ, đau nhức toàn thân, mệt mỏi, khó chịu. - Giai đoạn nặng có thể có các cục u, nốt sần cứng, rất dễ nhìn thấy dưới vùng da quanh khớp. |
3. Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Do các triệu chứng tương tự nhau nên chẩn đoán chính xác thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp thường khá phức tạp.
a. Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp thông qua:
- Khám lâm sàng.
- Khai thác tiền sử gia đình, bản thân.
- Xét nghiệm máu tìm kháng thể gây bệnh.
- Các xét nghiệm hình ảnh: phát hiện những thương tổn, tình trạng sưng viêm.
b. Chẩn đoán thoái hóa khớp:
- Thường dùng các xét nghiệm hình ảnh: chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ...
- Không thể chẩn đoán bằng xét nghiệm máu, nhưng đôi khi vẫn được chỉ định nhằm mục đích loại trừ các bệnh lý gây viêm, sưng ở khớp như viêm khớp dạng thấp.
4. Biện pháp điều trị
Mục đích điều trị thường nhằm vào việc giảm thiểu cơn đau và kiểm soát các triệu chứng bệnh, ngăn ngừa bệnh tiến triển, làm tổn thương nặng đến các khớp.
- Sử dụng các thuốc chống viêm không steroid NSAIDs (meloxicam, ibuprofen...) nhằm mục đích giảm đau, chống sưng viêm. Những trường hợp viêm nặng có thể dùng thêm các thuốc chống viêm steroid ( methylprednisolon, prednison...)
- Duy trì lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục hợp lý, kiểm soát tốt cân nặng...
- Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, châm cứu, xoa bóp...
- Can thiệp ngoại khoa: thường chỉ được chỉ định khi biến chứng phát sinh hoặc các hướng điều trị trước đó không hiệu quả. Nguyên nhân là do những rủi ro tiềm ẩn mà phẫu thuật có khả năng cao mang lại, chẳng hạn như xuất huyết, nhiễm trùng, tê liệt...
Trên đây là một số điểm khác nhau phân biệt giữa thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, để biết chính xác hơn về tình trạng bệnh cũng như biện pháp điều trị cụ thể cho từng trường hợp, người bệnh nên đi khám hoặc tham khảo ý kiến của người có chuyên môn để quá trình điều trị đem lại kết quả tốt nhất.