PHÂN BIỆT GOUT VÀ VIÊM KHỚP DẠNG THẤP

Bệnh gout là một bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Với các triệu chứng điển hình là sưng, đau tại các khớp, bệnh gout rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý về xương khớp khác, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, đây là hai bệnh lý khác nhau, nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị cũng khác nhau nên việc phân biệt được chúng rất có ý nghĩa trong việc điều trị và phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra.

1. Cơ chế gây bệnh

Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis- RA) là một bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các tế bào lành, RA chủ yếu gây viêm khớp, và thường là nhiều khớp cùng lúc, với biểu hiện sưng, nóng, đỏ, cứng khớp và giới hạn cử động. Bất kỳ khớp nào cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng thường gặp nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân và thường đối xứng ở hai bên cơ thể. Nếu không được điều trị, nó có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Ngoài khớp, các cơ quan khác cũng có thể bị tổn thương như tim, phổi, mắt, da...

Hình 1. Bàn tay bị biến dạng do viêm khớp dạng thấp

Bệnh gout cũng là một loại bệnh viêm khớp nhưng không liên quan đến tình trạng tự miễn dịch, bệnh gout xảy ra khi nồng độ acid uric tăng cao trong máu dẫn đến sự lắng đọng các tinh thể urat tại các khớp. Trong cơ thể, acid uric được hình thành do sự thoái biến từ các nhân purin.Việc tiêu thụ nhiều các thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, các loại cá biển, hải sản..., uống nhiều bia rượu, nước ngọt hoặc sử dụng một số thuốc như phenylbutazol, ketoconazol...làm tăng nguy cơ gây bệnh gout. Bệnh gout thường xảy ra ở khớp ngón chân cái, ngoài ra cũng có thể ở các khớp khác như cổ chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay...

2. Đối tượng nguy cơ cao

Khoảng 0,5 % đến 1,5 % dân số trên thế giới bị viêm khớp dạng thấp. Tình trạng này có thể xảy ra ở tất cả các chủng tộc và tất cả các lứa tuổi, tuy nhiên lứa tuổi thường bị bệnh nhiều nhất là 30-50. Nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam gấp 2 tới 3 lần.

Trong khi đó, bệnh gout chủ yếu gặp ở nam giới, tỷ lệ gặp cao nhất ở độ tuổi trên 40, bệnh ít khi gặp ở người trẻ, ở nữ giới ít khi xảy ra trước độ tuổi mãn kinh.

3. Triệu chứng

Đau khớp là triệu chứng đặc trưng của cả gout và viêm khớp dạng thấp. Thông thường những bệnh nhân bị gout sẽ trải qua cơn đau dữ dội, đột ngột. Mỗi đợt đau thường diễn ra nhanh và có thể đạt đỉnh điểm trong vài giờ. Cường độ đau dữ dội, cảm giác đau tăng khi sờ mó, thậm chí là những cử động nhỏ. Ngoài ra cảm giác đau ở bệnh gout thường kèm theo tình trạng da vùng khớp viêm sưng, nề, nóng, đỏ, tăng nhạy cảm do giãn mạch máu ở lớp nông. Các khớp bị sưng đỏ thường phổ biến ở bệnh gout hơn so với bệnh viêm khớp dạng thấp.

Mặc dù viêm khớp dạng thấp cũng gây ra những cơn đau không kém phần dữ dội, nhưng đa phần cơn đau chỉ xảy ra bên trong khớp và diễn biến cơn đau thường diễn ra từ từ. Ở giai đoạn đầu của bệnh viêm khớp dạng thấp, thậm chí các cơn đau không có biểu hiện rõ rệt mà chỉ là cảm giác mỏi khớp, nhức khớp trong thời gian ngắn. Tuy nhiên cơn đau do viêm khớp dạng thấp sẽ kéo dài cho đến khi người bệnh được điều trị. Trong khi đau do bệnh gout gây ra sẽ kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ít hơn ngay cả khi không được điều trị. 

4. Một người có thể mắc động thời cả hai bệnh hay không?

Trước đây, sử dụng aspirin liều cao là một phương pháp phổ biến để điều trị viêm khớp dạng thấp. Dùng aspirin liều cao làm tăng đào thải acid uric qua thận, vì vậy các nhà nghiên cứu từng cho rằng một người không thể mắc viêm khớp dạng thấp và gout cùng lúc.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng một người hoàn toàn có thể mắc bệnh gout ngay cả khi bị viêm khớp dạng thấp. Ước tính khoảng 5,3% những người bị viêm khớp dạng thấp cũng sẽ bị bệnh gout. Do đó, nếu người bệnh đang điều trị viêm khớp dạng thấp nhưng các triệu chứng không được cải thiện, hoặc cảm thấy có các triệu chứng, đặc biệt ở ngón chân cái, thì nên trao đổi với bác sĩ về nguy cơ mắc bệnh gout..

Trên đây là những thông tin để phân biệt gout và viêm khớp dạng thấp, tuy nhiên để biết chắc chắn và chính xác mình đang mắc phải bệnh nào, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị cho phù hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Robin Madell (2016). Is this possible to have Rheumatoid arthritis (RA) and gout? Healthline

Rachel Nall, MSN, CRNA (2018).Rheumatoid arthritis vs gout: What’s the difference? Medical news today.

Tổng thể viêm khớp dạng thấp- Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

 

Người viết bài: SV. Nguyễn Diệu Quế Anh, SV. Nguyễn Thủy

Hiệu đính: TS.DS. Ngô Thiện

=*=

Để nhận tư vấn về sản phẩm và đặt hàng, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM FYKOFA

Hotline: 1800 234 555 (Miễn phí)
Email: info@fykofa.com
Website: www.fykofa.com
Fanpage: www.fb.com/duocphamFYKOFA

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận