Tên quốc tế: Niclosamide
Loại thuốc: Thuốc chống giun sán
Biệt dược gốc: Niclosamide
1. Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén 500 mg.
2. Chỉ định điều trị
Niclosamid được dùng khi bị nhiễm sán bò, sán cá, sán lùn. Thuốc tống các sán ra khỏi ruột. Nhưng thuốc không có tác dụng trong trường hợp bị ấu trùng sán dây hoặc ấu trùng sán Echinococcus do các loại sán Taenia solium, Echinococcus multilocularis hoặc E. granulosis ký sinh ở các mô ngoài ruột. Niclosamid cũng có tác dụng trên sán lợn, nhưng không có tác dụng đối với trứng của loại sán này do đó có thể có nguy cơ bị nhiễm bệnh ấu trùng sán lợn; vì vậy trong trường hợp này nên dùng thuốc praziquantel.
3. Chống chỉ định
Người quá mẫn với niclosamid.
4. Thời kỳ mang thai
Khi có thai, việc dùng niclosamid phải hết sức thận trọng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Nói chung thuốc dùng được cho người mang thai, nhưng không dùng khi bị nhiễm sán lợn, vì có nguy cơ nhiễm bệnh ấu trùng sán lợn.
5. Thời kỳ cho con bú
Chưa xác định được thuốc qua sữa mẹ đến mức nào
6. Liều lượng, cách dùng
Viên thuốc nên nhai rồi nuốt với một ít nước sau bữa ăn sáng. Ðối với trẻ nhỏ, nên nghiền viên thuốc ra, trộn với một ít nước rồi cho uống.
Trường hợp sán bò, sán cá, sán lợn:
Người lớn: 2 g vào buổi sáng.
Trẻ em 11 - 34 kg: 1 g vào buổi sáng.
Trẻ em trên 34 kg: 1,5 g vào buổi sáng.
Trường hợp nhiễm H. nana:
Người lớn: Ngày 1 lần 2 g, trong 7 ngày liên tiếp.
Trẻ em 11 - 34 kg: Ngày thứ nhất dùng 1 lần 1 g. Sau đó mỗi ngày dùng 1 lần 0,5 g, trong 6 ngày.
Trẻ em trên 34 kg: Ngày thứ nhất dùng 1 lần 1,5 g. Sau đó mỗi ngày dùng 1 lần 1 g, trong 6 ngày
7. Tương tác
Niclosamid có thể tương tác với rượu, làm cho sự hấp thu niclosamid tăng lên. Vì vậy, không được dùng rượu trong khi điều trị.
8. Tác dụng không mong muốn
Niclosamid nói chung không gây tác dụng có hại đáng kể. Các tác dụng không mong muốn nhẹ, có thể kể là: Buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy. Hiếm gặp hơn là ban đỏ và ngứa.
Thường gặp, ADR > 1/100
Ðường tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Trên da: Ban đỏ da, ngứa, ngoại ban.
9. Quá liều và xử trí
Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Khi bị ngộ độc, điều trị triệu chứng và các biện pháp cấp cứu thông thường.