CIMETIDIN

Tên quốc tế: Cimetidine

Loại thuốc: Kháng thụ thể H2 histamin

Biệt dược gốc: CIMETIDIN STADA

1. Dạng thuốc và hàm lượng

Chế phẩm đơn thành phần:

  • Viên nén 200 mg, 300 mg, 400 mg, 800 mg;
  • Viên sủi 200 mg, 300 mg, 400 mg, 800 mg;
  • Siro uống: 5 ml tương đương 200 mg, 300 mg;
  • Thuốc tiêm: mỗi ống 2 ml cimetidin hydroclorid chứa tương đương 300 mg cimetidin;
  • Dịch truyền 400 mg trong 100 ml natri clorid 0,9%.

2. Chỉ định điều trị

Ðiều trị ngắn hạn:

  • Loét tá tràng tiến triển.
  • Ðiều trị duy trì loét tá tràng với liều thấp sau khi ổ loét đã lành.
  • Ðiều trị ngắn hạn loét dạ dày tiến triển lành tính.
  • Ðiều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản gây loét.
  • Ðiều trị các trạng thái bệnh lý tăng tiết dịch vị như hội chứng Zollinger - Ellison, bệnh đa u tuyến nội tiết.
  • Ðiều trị chảy máu tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng.
  • Phòng chảy máu đường tiêu hóa trên ở người có bệnh nặng.

3. Chống chỉ định

Mẫn cảm với cimetidin.

4. Thận trọng

Cimetidin tương tác với nhiều thuốc, bởi vậy khi dùng phối hợp với loại thuốc nào đó đều phải xem xét kỹ. Trước khi dùng cimetidin điều trị loét dạ dày phải loại trừ khả năng ung thư, vì khi dùng thuốc có thể che lấp triệu chứng gây khó chẩn đoán. Giảm liều ở người bệnh suy gan, thận. Truyền nhanh tĩnh mạch, cimetidin có thể gây loạn nhịp tim và giảm huyết áp.

5. Thời kỳ mang thai

Thuốc qua nhau thai, tuy chưa có bằng chứng về sự nguy hại đến thai nhi, nhưng trong thời kì mang thai, nên tránh dùng cimetidin.

6. Thời kỳ cho con bú

Thuốc bài tiết qua sữa và tích lũy đạt nồng độ cao hơn nồng độ trong huyết tương của người mẹ. Tuy tác dụng phụ ở đứa trẻ chưa được ghi nhận nhưng không nên dùng cimetidin trong thời kỳ cho con bú.

7. Liều lượng, cách dùng

Cimetidin dùng uống và tiêm. Dù bằng đường nào, tổng liều thường không quá 2,4 g/ngày.

  • Ðường uống: Liều ban ngày, uống thuốc vào bữa ăn và/hoặc trước lúc đi ngủ.

- Người lớn:+  Loét dạ dày, tá tràng: Dùng liều duy nhất 800 mg/ngày vào buổi tối trước lúc đi ngủ ít nhất trong 4 tuần đối với loét tá tràng và ít nhất trong 6 tuần đối với loét dạ dày. Liều duy trì là 400 mg vào trước lúc đi ngủ.

                   +  Ðiều trị chứng trào ngược dạ dày - thực quản: 400 mg/lần, 4 lần/ngày (vào bữa ăn và trước lúc đi ngủ), dùng từ 4 đến 8 tuần.

                   +  Hội chứng Zollinger - Ellison: 400 mg/lần, 4 lần/ngày, có thể tăng tới 2,4 g/ngày.

                  +   Stress gây loét đường tiêu hóa trên: Uống hoặc cho qua ống thông dạ dày 200 - 400 mg, hoặc tiêm tĩnh mạch 200 mg/lần, cách 4 đến 6 giờ 1 lần. Ðể đề phòng nguy cơ hít phải dịch vị trong khi gây mê: Cho người bệnh uống 400 mg, 90 đến 120 phút trước khi gây mê, nếu cần sau 4 giờ cho uống nhắc lại. Ðể giảm bớt sự phân giải của chế phẩm bổ sung enzym tụy, ngƣời bệnh suy tụy có thể dùng cimetidin 0,8 - 1,6 g/ngày chia làm 4 lần, uống 60 đến 90 phút trước bữa ăn.

  • Ðường tiêm (được chỉ định trong chảy máu tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng):

- Tiêm tĩnh mạch: 200 mg, tiêm chậm ít nhất là 2 phút, cứ 4 - 6 giờ tiêm nhắc lại. Nếu cần liều lớn hơn hoặc ngƣời bệnh có rối loạn tim mạch thì truyền tĩnh mạch. Nếu truyền cách quãng, dùng 400 mg từ 30 phút tới 1 giờ. Nếu truyền liên tục thì tốc độ là 50  100 mg/ giờ.

- Liều tiêm bắp là 200 mg, cứ 4 - 6 giờ 1 lần.

- Người bệnh suy thận: Liều dùng tùy thuộc vào độ thanh thải creatinin, nếu độ thanh thải là 0 - 15 ml/phút thì liều 200 mg/lần, 2 lần/ngày; > 15 - 30 ml/phút, liều 200 mg/lần, 3 lần/ngày; > 30 - 50 ml/phút, 200 mg/lần, 4 lần/ngày; > 50 ml/phút, liều bình thường.

- Trẻ em: Kinh nghiệm lâm sàng dùng cimetidin điều trị cho trẻ em dưới 16 tuổi còn rất ít. Cần phải cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích trước khi chỉ định cho trẻ em. Trong trường hợp cần thiết thì trẻ sơ sinh: 10 - 15 mg/kg/ngày với trẻ đủ tháng và chức năng thận bình thường. Liều cho trẻ em trên 1 tuổi: 20 - 25 mg/kg/ngày chia làm nhiều lần. Liều cho trẻ lớn: 30 mg/kg/ngày chia 3 - 4 lần. Trẻ bị suy thận, liều phải giảm xuống tới 10 - 15 mg/kg thể trọng/ngày và chia ra cách nhau 8 giờ.

Những năm gần đây, để loại trừ vi khuẩn H. pylori việc chỉ định điều trị thường phối hợp 1 kháng histamin H2 (hoặc một chất ức chế bơm proton) với 1 số kháng sinh.

8. Tương tác

  • Cimetidin tương tác với rất nhiều thuốc nhưng chỉ có một số tương tác có ý nghĩa lâm sàng.
  • Cimetidin thường làm chậm sự đào thải và tăng nồng độ của những thuốc này trong máu. Ða số các tương tác là do sự liên kết của cimetidin với cytochrom P450 ở gan dẫn đến sự ức chế chuyển hóa oxy hóa ở microsom và tăng nồng độ trong huyết tương của những thuốc chuyển hóa bởi những enzym này.
  • Một số cơ chế tương tác khác, thí dụ như ảnh hưởng sự hấp thu, cạnh tranh với sự đào thải ở ống thận và thay đổi lượng máu qua gan chỉ đóng vai trò thứ yếu.
  • Metformin: Cimetidin ức chế sự bài tiết của metformin ở ống thận, làm tăng nồng độ của thuốc này trong huyết tương.
  • Warfarin: Cimetidin ức chế chuyển hóa của warfarin, làm tăng tác dụng của thuốc, gây tăng nguy cơ chảy máu. Nên tránh sự phối hợp này.
  • Quinidin: Cimetidin ức chế sự thanh thải của quinidin khoảng 30% gây tăng hàm lượng chất này trong huyết tương. Cần theo dõi nguy cơ thay đổi trên điện tâm đồ.
  • Procainamid: Cimetidin làm giảm sự đào thải của procainamid và chất chuyển hóa của nó là N - acetyl procainamid qua thận gây tăng nồng độ những chất này trong huyết tương. Do đó làm tăng nguy cơ loạn nhịp của procainamid, có thể gây tử vong. 
  • Lidocain: Trong khi tiêm truyền lidocain, nếu cimetidin cũng đƣợc dùng sẽ gây ức chế chuyển hóa lidocain nồng độ lidocain trong huyết tương có thể tăng tới mức gây độc.
  • Propranolol: Cimetidin làm tăng nồng độ của propranolol trong huyết tương bằng cách ức chế sự chuyển hóa qua gan lần đầu của chất này, do đó làm tăng khả dụng sinh học của propranolol dẫn đến tăng nguy cơ chậm nhịp tim.
  • Nifedipin: Tăng tác dụng hạ huyết áp.
  • Phenytoin: Cimetidin làm tăng nồng độ của phenytoin bằng cách ức chế chuyển hóa của chất này. Nên tránh sự phối hợp này.
  • Acid valproic: Cimetidin làm tăng nồng độ của acid valproic trong huyết tương. Nên tránh sự phối hợp này.
  • Theophylin: Cimetidin làm giảm chuyển hóa của theophylin. Nên tránh sự phối hợp này, nếu cần thiết phải điều chỉnh liều theo phylin hoặc ngừng cimetidin.
  • Các muối, oxyd và hydroxyl magnesi, nhôm, calci làm giảm sự hấp thu của cimetidin nếu uống cùng. Vì vậy nên dùng cách nhau 2 giờ.

9. Tác dụng không mong muốn

  • Thường gặp, ADR >1/100

- Tiêu hóa: Ỉa chảy. 

- Thần kinh: Ðau đầu, chóng mặt, ngủ gà, lú lẫn hồi phục được, trầm cảm, kích động, bồn chồn, ảo giác, mất phương hướng.

- Nội tiết: Chứng to vú ở đàn ông khi điều trị 1 tháng hoặc lâu hơn.

  • Ít gặp, 1/100 > ADR > 1/1000

- Nội tiết: Chứng bất lực khi dùng liều cao kéo dài trên 1 năm, nhưng có thể hồi phục.

- Da: Phát ban.

- Gan: Tăng enzym gan tạm thời, tự hết khi ngừng thuốc.

- Thận: Tăng creatinin huyết.

- Quá mẫn: Sốt, dị ứng kể cả sốc phản vệ, viêm mạch quá mẫn.

  • Hiếm gặp, ADR < 1/1000

- Tim mạch: Mạch chậm, mạch nhanh, chẹn nhĩ - thất tim. Truyền nhanh tĩnh mạch có thể làm tăng histamin trong huyết thanh, gây loạn nhịp tim và giảm huyết áp.

- Máu: Giảm bạch cầu đa nhân, mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu, thiếu máu không tái tạo. Các thuốc kháng histamin H2 gây giảm tiết acid nên cũng giảm hấp thụ vitamin B12 rất dễ gây thiếu máu.

- Gan: Viêm gan mãn tính, vàng da, rối loạn chức năng gan, viêm tụy, nhưng sẽ khỏi khi ngừng thuốc.

- Thận: Viêm thận kẽ, bí tiểu tiện.

- Cơ: Viêm đa cơ.

- Da: Ban đỏ nhẹ, hói đầu rụng tóc.

10. Quá liều và xử trí

  • Triệu chứng: Có kết tủa trong ống thận khi nồng độ trong ống thận vượt quá độ hòa tan 2,5 mg/ml, hoặc khi creatinin huyết thanh cao, suy thận, trạng thái kích thích, bồn chồn, run, co giật, đánh trống ngực, cao huyết áp, khó tiểu tiện.
  • Ðiều trị: Thẩm tách máu người bệnh cho đến khi chức năng thận phục hồi, ngừng thuốc, cho truyền nước và điện giải.
Bình luận (1)
minh-anh
Minh Ánh
09 November 2020
Thuốc đau dạ dày à mình cũng đang dùng
Viết bình luận