Gout là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính do tăng acid uric máu khiến các tinh thể urat lắng đọng trong các dịch bao khớp.
Acid uric có nồng độ trong máu lúc bình thường là 150 đến 420 µmol/L, được coi là tăng acid uric máu khi chỉ số này ở nam giới cao hơn 420 µmol/L và ở nữ giới là cao hơn 350 µmol/L.
Việc điều trị bệnh gout chủ yếu giải quyết cơn gout cấp tính, dự phòng lắng đọng urat trong các tổ chức và dự phòng biến chứng.
Trong các trường hợp khi bệnh nhân bị tái phát cơn gout cấp tính, các ổ khớp lắng đọng bị viêm có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau khiến bệnh nhân khó chịu.
Một số thuốc được dùng để giải quyết tình trạng này:
1. Colchcine
Đây là alkaloid của cây Colchicum antumal, được sử dụng từ thế kỷ 18.
Cơ chế: ức chế quá trình viêm thông qua việc ngăn cản sự trùng hợp tubulin (protein của tiểu quản) trong tế bào bạch cầu và tế bào di chuyển khác, từ đó ức chế sự di chuyển của bạch cầu và giảm hoạt tính thực bào của bạch cầu hạt, giảm sản xuất acid lactic và các enzyme gây viêm. Ở cấp độ tế bào, colchicin ngăn cản sự phân bào của tế bào động thực vật ở giai đoạn trung kỳ, giảm sự hình thành các thoi phân bào.
Đặc điểm tác dụng: điều trị đăc hiệu cơn gout cấp tính, giảm đau và giảm viêm trong vòng 12 – 24 giờ dùng thuốc, không có tác dụng giảm đau và chống viêm khớp khác, không ảnh hưởng đến bài xuất, phân bố, hấp thu của acid uric.
Chỉ định: sử dụng trong cơn gout cấp tính và dự phòng ở bệnh nhân gout mạn.
Chống chỉ định: người suy gan, suy thận nặng và mẫn cảm với thuốc.
Tác dụng không mong muốn: rối loạn tiêu hóa, phát ban, nổi mề đay, rối loạn thần kinh cơ, giảm tiểu cầu, bạch cầu… Liều cao gây ức chế tủy xương, viêm dây thần kinh, độc với gan, thận, đông máu rải rác, rụng tóc...
2. Thuốc chống viêm khác
2.1. Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
Có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với colchicin: phenylbutazon, indomethancin…
Một số tác dụng không mong muốn của thuốc có thể gặp:
- Trên tiêu hóa gây kích ứng tiêu hóa, đau thượng vị nặng hơn có thể là loét dạ dày tá tràng, xuất huyết;
- Trên hô hấp gây cơn hen giả;
- Trên thận gây ứ nước, tăng kali máu và viêm thận kẽ...
2.2. Thuốc chống viêm corticoid
Dùng khi không dung nạp colchicin, có chống chỉ định với NSAIDs nhưng cần hạn chế lựa chọn.
Một số thuốc: prednisolone, methylprednisolonne…
Một số tác dụng không mong muốn:
- Phù, tăng huyết áp.
- Loét dạ dày tá tràng.
- Dễ nhiễm trùng, vết thương chậm lên sẹo.
- Tăng đường huyết.
- Nhược cơ, teo cơ, mỏi cơ.
- Rối loạn phân bố mỡ.
- Suy thượng thận cấp khi dừng thuốc đột ngột.
-----***-----
Người viết bài: Nguyễn Thủy
Hiệu đính: TS. DS. Ngô Thiện
Tài liệu tham khảo:
Vũ Thị Trâm (2010), Dược lý học tập 2, Thuốc điều trị bệnh gút
Đào Văn Phan, Dược lý học lâm sàng, Thuốc chữa gout
Colchicin, Drugbank
Brunton L.L. (2010); Goodman & Gilman’s The pharmacological Basis of Therapeutics 12 Edison; Anti-inflammatory, antipyretic & analgetic agents, pharmacology of Gout