Bệnh Gout là gì?

Gout (thống phong) là một bệnh lý thuộc hệ xương khớp. Trước đây, người ta đặt cho Gout những “biệt danh” như “Bệnh của các vị vua” (Disease of Kings), “Vua của các bệnh” (King of diseases), bệnh của những nhà giàu. Vì bởi lẽ, Gout thường phát xuất có liên quan tới lối sống giàu có, xa hoa, không kiểm soát.

Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển xã hội, đời sống được nâng cao, tình trạng gout càng ngày càng phổ biến. Gout ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, vì vậy, việc hiểu đúng về bệnh gout góp phần phát hiện sớm bệnh cũng như phòng tránh các cơn gout cấp.

1. Gout là gì?

Bệnh Gout (Goutte, hội chứng Goutte) là một nhóm tình trạng bệnh lý bao gồm viêm khớp tái đi tái lại, đặc trưng là sự xuất hiện của tinh thể acid uric hoặc tinh thể muối urat ở trong dịch khớp.

Hình: Tinh thể urat lắng đọng trong dịch khớp

Khoảng 90 – 96% trường hợp Gout xảy ra ở đàn ông. Độ tuổi mắc bệnh chủ yếu là độ tuổi trung niên đến cao tuổi. Với phụ nữ, tình trạng gout chỉ xảy ra ở tuổi tiền mãn kinh. Ở Việt Nam, hiện chưa có công bố tỷ lệ mắc bệnh chung, mới chỉ có một số nghiên cứu nhỏ lẻ ước đoán về số lượng và tỷ lệ bệnh nhân gout trong dân số.

2. Nguyên nhân bệnh Gout

Gout xảy ra bắt nguồn từ tăng acid uric trong máu. Việc tăng acid uric máu đơn thuần thường bắt đầu từ tuổi dậy thì, và có thể kéo dài trên 20 năm. Mức acid uric máu càng cao, tỷ lệ mắc bệnh Gout càng cao.

Ở người bình thường, nồng độ acid uric trong máu giữ ở mức cố định: 5 mg/dL (nam), 4 mg/dL (nữ). Acid uric được giữ cân bằng nhờ hai quá trình sinh mới và thải trừ. Vì vậy, việc nồng độ acid máu cao khi có sự thay đổi trong hai quá trình này. Acid uric được sinh ra chủ yếu từ những thức ăn chứa nhân purin, hay tìm thấy trong các tạng động vật như gan, não, thận, lách và tất cả các loại thịt, cá và gia cầm, và được thải trừ chủ yếu qua đường thận. Việc thải trừ này phụ thuộc vào pH của nước tiểu. Nước tiểu càng acid thì lượng thải trừ acid uric càng thấp. Khi acid uric trong máu vượt ngưỡng sẽ gây ra lắng đọng tại các khớp gây khởi phát các cơn gout cấp tại khớp.

Ngoài việc tăng acid uric ngoại sinh qua thức ăn chứa nhiều đạm, đường vào trong cơ thể, thì tăng acid uric còn do quá trình phân hủy nhân tế bào trong chính cơ thể, hoặc tăng hoạt tính các enzym tổng hợp các purin dẫn tới việc tăng acid uric máu bẩm sinh.

3. Phân loại bệnh Gout

Gout được phân loại theo nguyên nhân thành hai thể: gout nguyên phát và gout thứ phát.

a. Gout nguyên phát

Đa số các trường hợp là gout nguyên phát, chiếm trên 95% các trường hợp tăng acid uric và gout. Nguyên nhân của gout nguyên phát còn chưa rõ, có thể do di truyền và thức ăn, yếu tố gia đình và một số bệnh rối loạn chuyển hóa khác (đái tháo đường, rối loạn lipid, bệnh lý tim mạch). Trong đó yếu tố di truyền và tính chất gia đình ảnh hưởng khá lớn tới nguy cơ bị gout, 1/3 bệnh nhân gout có cha mẹ bị gout và trong gia đình bệnh nhân gout có tới 20% trường hợp có tăng acid uric máu. Bệnh khởi phát thường do ăn và uống quá nhiều bia, rượu.

Bia chứa nhiều purin, vì thế purin có nguy cơ khởi phát cơn gout cấp cao nhất. Nguy cơ gout tăng gấp 1,5 lần nếu dùng từ 15 – 30g rượu/ ngày, gấp 2 lần nếu uống 30 – 50g/ ngày.

b. Gout thứ phát

Gout thứ phát chiếm tỷ lệ 2 – 5% các trường hợp gout. Nguyên nhân chính gây tình trạng gout thứ phát là suy thận mạn tính và sử dụng thuốc lợi tiểu. Suy thận mạn tính thường gặp do bệnh thận đa nang hoặc nhiễm độc chì. Suy thận mạn tính làm giảm độ thanh thải của acid uric. Cũng như thuốc lợi tiểu làm giảm mức lọc ở cầu thận, tăng tái hấp thu urat. Thuốc lợi tiểu dùng ở người già là yếu tố quan trọng gây cơn gout cấp thứ phát.

Việc xác định lý do thực sự gây tăng acid uric trong máu sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị cho bệnh nhân cũng như khả năng giải quyết triệt để tái phát các cơn gout cấp hoặc tiến triển thành cơn gout mạn.

 

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận