Ngày 4/9/2021, trong khi virus SAR-COV-2 chủng Delta đang hoành hành khắp thế giới và chưa được kiểm soát thì tại Ấn Độ, một bé trai 12 tuổi tử vong chỉ sau 1 tuần nhập viện với nhiều triệu chứng giống như nhiễm virus COVID-19. Sau khi xét nghiệm định danh chủng virus xác định bé trai 12 tuổi này đã nhiễm virus Nipah, một virus khá hiếm gặp nhưng gây tỉ lệ tử vong cao hơn nhiều so với virus COVID-19.
Một câu hỏi đặt ra virus Nipah có nguy cơ trở thành đại dịch nối tiếp hoặc chồng lên đại dịch COVID -19 hay không? Hay là chúng ta có thể phòng ngừa chủng virus này?
Theo ghi nhận của WHO, chủng virus Nipah không phải mới ghi nhận năm 2021, thực tế ca nhiễm virus Nipah đã được ghi nhận lần đầu tiên năm 1999 xảy ra do đại dịch ở Malaysia trên những người chăn nuôi lợn và tiếp xúc với dịch bài tiết của lợn nhiễm bệnh. Mặc dù chưa có vaccin hay biện pháp điều trị thích hợp từ khi phát hiện đến nay nhưng các đặc điểm của chủng virus Nipah có thể sẽ giúp phòng ngừa sự bùng phát và biến đổi của chủng virus này
1. Triệu chứng nhiễm bệnh của virus Nipah
Triệu chứng nhiễm bệnh của virus Nipah có phần khá tương đồng với nhiễm virus SAR-COV khi triệu chứng là những biểu hiện của việc nhiễm trùng không triệu chứng đến nhiễm trùng hô hấp cấp tính có thể nhẹ hoặc nặng và viêm não, phù não gây tử vong
Triệu chứng có thể tăng dần theo diễn biến bệnh:
- Khởi phát là sốt, đau đầu, đau cơ, nôn mửa và đau họng
- Sau đó bệnh nhân có thể chóng mặt, buồn ngủ, thay đổi ý thức và xuất hiện các dấu hiệu thần kinh cho thấy viêm não cấp tính
- Một số bệnh nhân có thể thấy dấu hiệu của viêm phổi không điển hình và các vấn đề hô hấp nghiêm trọng bao gồm cả suy hô hấp cấp tính.
- Viêm não và cơn co giật có thể xảy ra trong những trường hợp nặng, tiến triển đến hôn mê tỏng vòng 24 đến 48 giờ.
Thời gian ủ bệnh của virus Nipah là từ 4 đến 14 ngày. Tuy nhiên, theo WHO, cũng có bệnh nhân có thời gian ủ bệnh kéo dài đến 45 ngày đã được ghi nhận.
Hầu hết những người sống sót sau viêm não cấp tính sẽ hồi phục hoàn toàn tuy nhiên, các tình trạng thần kinh lâu dài đã được ghi nhận ở những người sống sót. Khoảng 20% bệnh nhân xuất hiện các hậu quả thần kinh còn sót lại như rối loạn co giật và thay đổi nhân cách. Một số ít người khỏi bệnh sau đó tái phát hoặc phát triển bệnh viêm não khởi phát muộn.
Tỷ lệ tử vong trong trường hợp này ước tính từ 40% đến 75%, tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi theo từng đợt bùng phát tùy thuộc vào khả năng giám sát dịch tễ và quản lý lâm sàng của địa phương.
2. Con đường lây nhiễm của virus Nipah
Virus Nipah có thể lây nhiễm theo các con đường:
- Tiếp xúc trực tiếp với lợn nhiễm bệnh hoặc các mô bị nhiễm bệnh của lớn. Các báo cáo cho rằng, việc nhiễm virus Nipah xảy ra do việc tiếp xúc trực tiếp (không có đồ bảo hộ) với chất thải hoặc dịch tiết từ lớn hoặc mô, thịt của các động vật bị bệnh. Con đường lây nhiễm này được phát hiện trong đợt bùng phát đầu tiên tại Malaysia.
- Tiêu thụ trái cây hoặc các sản phẩm từ trái cây bị nhiễm nước tiểu hoặc nước bọt từ dơi ăn quả bị nhiễm bệnh. Đây là nguồn lây nhiễm cao nhất trong đợt bùng phát tại Bangladesh và Ấn Độ (2001). Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào về sự tồn tại của virus trong dịch cơ thể hoặc môi trường bao gồm cả trái cây.
- Lây truyền trực tiếp từ người sang người do việc chăm sóc, tiếp xúc với dịch bài tiết và chất bài tiết hoặc thức ăn của gia đình hay những nhân viên y tế và người chăm sóc bệnh nhân.
3. Chẩn đoán nhiễm bệnh
Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của nhiễm virus Nipah không đặc hiệu và chẩn đoán thường không được nghi ngờ tại thời điểm nhiễm bệnh. Đặc biệt, trong tình hình Đại dịch COVID-19 đang diễn ra như hiện nay, việc phát hiện, kiểm soát và khoanh vùng ổ dịch với virus Nipah là rất khó khăn.
Việc chẩn đoán nhiễm virus Nipah dựa trên tiền sử lâm sàng trong giai đoạn cấp tính và hồi phục của bệnh. Chẩn đoán chính bằng xét nghiệm RT-PCR dịch cơ thể và phát hiện kháng thể thông qua xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzym (ELISA). Một số xét nghiệm khác cũng được sử dụng như xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) và phân lập virus bằng nuôi cấy tế bào.
4. Điều trị
Hiện tại CHƯA có vaccin hay thuốc điều trị đặc hiệu virus Nipah này. Mọi nỗ lực điều trị của bệnh nhân đều dựa trên việc hỗ trợ các triệu chứng và tăng cường miễn dịch. Tổ chức y tế thế giới WHO đang xếp virus Nipah vào nhóm cần được quan tâm nghiên cứu phát triển vaccin phòng bệnh.
5. Phòng nhiễm bệnh
Do việc nhiễm bệnh hiện tại nguồn lây chủ yếu từ động vật hoặc động vật hoang dã nên nếu nghi ngờ có ổ dịch, cơ sở động vật phải được kiểm dịch ngay lập tức, tiêu hủy động vật bị nhiễm bệnh, giám sát chặt chẽ việc chôn cất hoặc đốt xác để giảm nguy cơ lây truyền sang người. Hạn chế hoặc cấm di chuyển động vật từ các trang trại bị nhiễm bệnh sang các khu vực khác để giảm lây lan của dịch bệnh. Với các nguồn lây từ dơi ăn quả cần phải khởi động luôn hệ thống giám sát sức khỏe động vật hoang dã để cảnh báo sớm cho cơ quan thú ý và sức khỏe cộng động của con người
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng ở người:
- Giảm nguy cơ lây truyền từ dơi sang người:
+ Ngăn chặn sự lây truyền đầu tiền là giảm khả năng tiếp cận của dơi với nhựa cây và các sản phẩm tươi sống khác bằng các tấm che bảo vệ. Nước ép hoa quả nên được đun sôi, trái cây phải được rửa kỹ và gọt vỏ trước khi tiêu thụ. Trái cây có dấu hiệu bị dơi căn nên bỏ đi.
- Giảm nguy cơ lây từ động vật sang người
+ Đeo găng tay và các loại quần áo bảo hộ trong khi xử lý động vật bị bệnh hoặc mô của chúng, trong quá trình giết mổ và tiêu hủy.
+ Tránh tiếp xúc với lợn bị bệnh càng nhiều càng tốt.
+ Thực hiện thiết lập các trạng trại chăn nuôi lợn mới cần phòng ngừa sự hiện diện của dơi ăn quả trong khu vực.
- Giảm nguy cơ lây từ người sang người
+ Tránh tiếp xúc thân thể không được bảo vệ (tiếp xúc trực tiếp) với những người bị nhiễm virus Nipah.
+ Thường xuyên rửa tay sau khi chăm sóc và thăm khám cho người bệnh
+ Kiểm soát nhiễm trùng trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe
+ Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân bị nghi ngờ hoặc đã được xác nhận nhiễm virus, hoặc xử lý các bệnh phẩm từ họ phải luôn thực hiện các biện pháp phòng ngừa kiểm soát nhiễm trùng tiêu chuẩn.
+ Phòng ngừa tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc giọt bắn cũng được yêu cầu bên cạnh các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn.
+ Toàn bộ mẫu lấy từ người và động vật nghi ngờ nhiễm virus Nipah phải được xử lý bởi nhân viên có chuyên môn và thực hiện trong phòng thí nghiệm được trang bị phù hợp
Như vậy, rõ ràng, virus Nipah đang rất nguy hiểm vì tỉ lệ tử vong cao và chưa có biện pháp đặc hiệu trong điều trị. Tuy nhiên, hiện nay con đường lây nhiễm của virus Nipah này sẽ dễ dàng được kiểm soát nếu thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm chỉnh. Vấn đề đặt ra là việc khoanh vùng dịch, tránh các biến chủng của virus Nipah này và việc nghiên cứu vaccin là cần thiết để phòng ngừa đại dịch do virus này gây ra. Trong khi chờ đợi các nhà nghiên cứu khoa học điều chế vaccin và thuốc đặc hiệu, mỗi người cần nắm vững và phòng tránh lây nhiễm virus này từ động vật, động vật hoang dã (dơi ăn quả) cùng các biện pháp phòng ngừa vệ sinh cá nhân nhé.