Tình trạng bệnh gout trên thế giới và Việt Nam

           Bệnh gout (gút) là một trong những bệnh lý liên quan đến các tổn thương viêm tại xương, sụn khớp phổ biến nhất. Nguyên nhân bệnh được cho là do sự lắng đọng các tinh thể muối urat tại chỗ hoặc xung quanh ổ khớp.

Tình trạng lưu hành bệnh gout được đánh giá thông qua rất nhiều nghiên cứu đơn lẻ, cho thấy tỉ lệ bệnh rất khác biệt ở các quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn nữa, số liệu ở một số quốc gia còn khá thiếu thốn khiến cho dữ liệu có nhiều biến động.

Trong nghiên cứu Khảo sát tình trạng sức khỏe quốc gia và đánh giá dinh dưỡng (National Health and Nutrition Examination Survey, NHANES) năm 2007–2008 đã cho thấy có khoảng 3.9% người trưởng thành (trên 20 tuổi) ở Mỹ tự báo cáo bị gout. Tình hình bệnh ở Canada chiếm khoảng 3%.

Tại châu Âu, Hi Lạp là nước có tỉ lệ bệnh cao nhất, với mức độ lưu hành bệnh là 4.75% ở người trưởng thành. Trong báo cáo chăm sóc sức khỏe ban đầu, thuộc hệ thống Dữ liệu nghiên cứu thực hành lâm sàng  (Clinical Practice Research Data) của Anh, tỉ lệ bệnh gout là 3.22% ở người trưởng thành (trên 20 tuổi) và trong toàn bộ dân cư là 2.49%. Tỉ lệ bệnh tương tự cũng quan sát được ở Tây Ban Nha và Hà Lan. Trong khi đó, mức độ lưu hành bệnh ở Pháp rất thấp, 0.9% khi nghiên cứu trên nhóm dân cư sống ở thành thị. Tỉ lệ mắc bệnh thấp nhất được ghi nhận ở các nước Bồ Đào Nha, Cộng hòa Czech, với mức độ lưu hành bệnh là 0.3%.

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, tỉ lệ mắc bệnh cũng không cao, khoảng 0.4% ở người trưởng thành. Tuy nhiên, tình trạng bệnh ở Đài Loan, Hồng Kông và Singapore, tỉ lệ bệnh cao hơn rất nhiều. Năm 2001, khoảng 5.1% người lớn ở độ tuổi 45 – 59 tuổi ở Hồng Kông được báo cáo có bệnh gout. Tỉ lệ này ở người lớn, trên 60 tuổi là 6.1%. Tỉ lệ bệnh ở người Singapore ở độ tuổi 45 – 74 tuổi là 4.1%. Tỉ lệ lưu hành bệnh ở Đài Loan cao. Đặc biệt, ở một số nhóm dân tộc ở Đài Loan, tỉ lệ mắc bệnh lên tới trên 10%. Việt Nam, cùng với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Guatemala, Iran, Malaysia, Phillipines, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, hay các nước châu Phi, nằm trong nhóm các quốc gia có tỉ lệ bệnh không quá cao.

Đặc biệt cần lưu ý là, nhiều nghiên cứu dịch tễ học cho thấy ở các nước có sự tăng nhanh tỉ lệ lưu hành bệnh trong những năm gần đây, với diễn tiến bệnh trở nên phức tạp hơn. Đặc biệt, có sự gia tăng tỉ lệ bệnh nhanh chóng ở nam giới, lớn tuổi.

Rất nhiều nghiên cứu với cỡ mẫu lớn nhằm đánh giá các yếu tố nguy cơ, có khả năng liên quan đến bệnh gout, bao gồm yếu tố di truyền, việc sử dụng bia rượu quá mức, chế độ ăn giàu đạm, các bệnh lý rối loạn chuyển hóa mắc kèm (béo phì, tăng huyết áp, tăng lipid máu, đái tháo đường có tình trạng kháng insulin…), hay tình trạng bệnh lý suy thận và việc sử dụng thuốc lợi niêu. Xu hướng sử dụng đồ uống chứa cồn, chế độ ăn, bệnh lý béo phì có thể giải thích cho sự thay đổi về mức độ lưu hành và tỉ lệ bệnh trong cộng đồng.

Theo nghiên cứu Khảo sát tình trạng sức khỏe quốc gia và đánh giá dinh dưỡng của Hoa Kỳ, tỉ lệ bệnh gout là 3.9% trong khoảng năm 2007 – 2008, tăng lên đáng kể so với tỉ lệ bệnh những năm 1988 – 1994 (2.9%). Xu hướng tăng này cũng quan sát được trong một nghiên cứu toàn quốc ở Anh, khi thấy mức độ lưu hành bệnh là 1.39% (năm 1999) đã tăng lên nhanh chóng là 2.49% (năm 2012).

          Tóm lại, mặc dù tỉ lệ mắc bệnh gout ở Việt Nam không quá cao, nhưng với các triệu chứng đau, viêm, sưng…, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Hơn nữa, các biến chứng nguy hiểm, khó lường trên sụn khớp, và cả các biến chứng toàn thân, bệnh nhân gout cần được theo dõi và có chế độ điều trị hợp lý để cải thiện tình trạng bệnh và ngăn các biến chứng có thể xảy ra.

 

Nguồn TLTK:

“The changing epidemiology of gout”, Nature Clinical Practice Rheumatology (2007) 3, 443449.

“Global epidemiology of gout: prevalence, incidence and risk factors”, Nature Review Rheumatology (2015) 11, 649–662.

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận