Sốc phản vệ là phản ứng quá mẫn của cơ thể, thường xảy ra khi cơ thể gặp các kháng nguyên gây kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể. Đây là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm tới tính mạng, cần phải xử lý nhanh, chính xác để bảo tồn chức năng sống của bệnh nhân. Trong thời điểm dịch bệnh Covid đang diễn ra hết sức nguy hiểm, việc tiêm vaccin là một biện pháp hiện tại đang được mong chờ. Tuy nhiên một tác dụng phụ mà nhiều người lo ngại là sốc phản vệ.
Vì vậy, việc hiểu về sốc phản vệ và nắm chắc cách xử trí sẽ là chìa khóa để giảm thiểu các mối lo lắng này cũng như bảo vệ tính mạng của bệnh nhân đặc biệt trong xử trí sốc phản vệ do dị ứng thuốc.
Các biện pháp xử trí sốc phản vệ bao gồm:
1. Phục hồi ngay các chức năng sống
- Giám sát chức năng sống: nếu có thể phải làm liên tục trong suốt quá trình điều trị. Bệnh nhân được để tư thế nằm, đầu thấp và kê cao chân.
- Bảo tồn hô hấp: Bảo đảm thông khí đường hô hấp bằng cách mở thông khí quản hoặc hô hấp nhân tạo, cho thở oxy tùy tình trạng bệnh. Nếu bị co thắt khí quản, dùng aminophylin.
- Hồi sức tim mạch: Adrenalin là thuốc chủ lực. Thường dùng tiêm dưới da hoặc tiêm bắp dung dịch 1: 1000 (0,3 – 0,5 ml cho người lớn và 0,01 ml/kg cho trẻ em). Nếu dùng đường tĩnh mạch thì dùng dung dịch 1/10.000.
- Nếu người bệnh đang dùng thuốc chẹn beta, thì thay adrenalin bằng salbutamol hoặc isoprenalin (kích thích cả thụ thể beta – 1 và beta – 2). Nếu tụt huyết áp, noradrenalin được truyền tĩnh mạch để duy trì huyết áp; sau đó có thể truyền tĩnh mạch dopamin để tăng cường hoạt động của tim. Truyền dịch NaCl 0,9%, Ringer lactat hoặc dung dịch keo như albumin 5%, hetastarch 4% cũng rất quan trọng.
2. Ngăn cản sự thâm nhập tiếp tục của kháng nguyên vào cơ thể
Kháng nguyên ở đây là thuốc gây phản ứng, hoặc dị nguyên (thức ăn, phấn hoa…) hoặc vaccin. Phản ứng phản vệ có thể gặp với mọi đường đưa thuốc nhưng đường tiêm thường nguy hiểm hơn. Nếu thuốc dùng đường tiêm thì phải làm chậm sự thâm nhập của thuốc vào máu bằng cách đặt garo gần chỗ tiêm (nới lỏng sau từng khoảng 10 – 15 phút) và sau đó có thể tiêm adrenalin vào ngay vết tiêm của thuốc đã gây phản ứng nếu đường dùng trước đó là tiêm bắp hoặc dưới da (adrenalin dung dịch nước 1: 1000, tiêm 0,15 – 0,25 ml cho người lớn và 0,005 ml/kg cho trẻ em, tiêm dưới da). Nếu là đường uống thì có thể rửa dạ dày hoặc dùng các chất hấp phụ (than hoạt)
3. Ngăn chặn phản ứng quá mẫn muộn bằng corticoid
Hydrocortison sodium succinat 100mg tiêm tĩnh mạch trực tiếp, sau đó cứ 2 – 4 giờ một lần tiếp tục tiêm tĩnh mạch 100mg pha trong NaCl 0,9%.
Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng thuốc nghiêm trọng nhất, dễ dẫn đến tử vong, do đó xử trí sốc phản vệ cần phải được coi là một quy trình bắt buộc thành thục ở mọi cơ sở điều trị. Xử trí sốc phản vệ ngoài adrenalin còn cần rất nhiều thuốc khác. Phần thiếu sót hay gặp khi xử trí sốc phản vệ là bỏ qua quá trình ngăn cản sự xâm nhập của thuốc vào máu, do đó sau khi xử trí thành công thì thuốc lại tiếp tục vào máu gây phản ứng. Do đó việc nắm vững các bước tiến hành sẽ giúp cho việc điều trị thành công hơn.
Dị ứng là một phản ứng xảy ra bất ngờ, khó dự đoán trước, đặc biệt là dị ứng thuốc hoặc vaccin kể cả đã làm đúng và làm đủ quy trình. Tuy nhiên, việc nắm vững các kiến thức về sốc phản vệ, dị ứng thuốc, cơ địa của người bệnh (cơ địa dị ứng, tiền sử dùng thuốc, khả năng chấp nhận y lệnh…) sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế tai biến này.