Corticoid (Corticosteroid) thường được coi là "thần dược" bởi các tác dụng dược tính nhanh, mạnh ngay ở những liều sử dụng rất thấp. Tuy nhiên, chính vì những dược tính nổi trội này mà các thuốc corticoid (dexamethason, prednisolon, methylprednisolon..) rất hay bị lạm dụng như giảm đau trong các trường hợp đau khớp, thoái hóa khớp, dùng tại chỗ để làm trắng da, giảm viêm trong trường hợp viêm nhiễm trùng... Corticoid là một thuốc kê đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sỹ vì các tác dụng không mong muốn của corticoid thường diễn ra từ từ. Hãy cùng FYKOFA điểm qua một số tác dụng không mong muốn điển hình khi làm dụng corticoid nhé!
1. Ảnh hưởng xấu tới sự tăng trưởng ở trẻ em
Sử dụng corticoid với mức liều từ 45mg trên 1 mét vuông da trên một ngày sẽ gây lên chậm lớn ở trẻ em. Khi dùng ở mức sinh lý, corticoid (hydrocortisol) kích thích sự tiết hóc môn tăng trưởng nhưng lại ức chế sự tiết hormon này khi dùng liều cao. Tác dụng gây chậm lớn ở trẻ em là hậu quả của sự giảm mức hormon tăng trưởng kết hợp với ức chế sự tạo xương và giảm hoạt động của hormon tuyến giáp là những hormon ảnh hưởng chủ yếu tới việc tăng chiều cao của trẻ nhỏ. Ngay cả khi trẻ ở tuổi dậy thì, sự ức chế hoạt động của tuyến sinh dục cũng là nguyên nhân gây chậm lớn và rối loạn sinh dục.Vì vậy hiện nay đã có khuyến cáo bắt buộc các hãng sản xuất ghi trên nhãn các loại thuốc có dòng chữ “gây chậm lớn ở trẻ em” để người kê đơn lưu ý.
Để giảm hậu quả do tác dụng này gây ra, cố gắng hạn chế việc kê đơn nhóm thuốc này ở trẻ em hoặc lựa chọn các chế phẩm tự nhiên (hydrocortison, cortison, perdnisolon) ít ảnh hưởng đến sự tăng trưởng hơn các chế phẩm tổng hợp tác dụng kéo dài. Ngay cả khi bắt buộc phải dùng thì nên sử dụng ở mức liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể. Khi dùng kéo dài thì nên dùng kiểu điều trị cách ngày thay cho lối dùng hàng ngày để giảm bớt hiện tượng ức chế thượng thận, sinh dục và tuyến giáp quá lâu đồng thời khuyến khích trẻ vận động, chơi thể dục thể thao và tăng cường chế độ dinh dưỡng giàu chất đạm và calci, tốt nhất là dùng các chế phẩm chế biến từ sữa.
2. Gây xốp xương
Có tới 50% bệnh nhân cao tuổi bị gãy xương không có chấn thương do dùng corticoid liều cao kéo dài. Việc gây xốp xương xảy ra khi coritcoid tăng cường sự hủy xương, nhưng lại ức chế quá trình tạo xương, do đó ngăn cản sự đổi mới của mô xương và làm tăng quá trình tiêu xương. Tác dụng này đối lập với hormon sinh dục, calcitonin và fluor. Các tác dụng này cộng thêm với việc ngăn cản hấp thu calci từ ruột và tăng thải calci qua nước tiểu làm xương xốp nhanh hơn, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi.
Quá trình tạo xương bị ức chế nhưng mức calci máu và calci niệu đều cao và mức vitamin D ở dạng hoạt tính vẫn ở mức bình thường hoặc cao nên việc bổ sung calci và vitamin D chỉ nên ở mức liều theo nhu cầu hằng ngày, nếu đưa cao quá sẽ dẫn đến tăng calci máu và nguy cơ sỏi tiết niệu lớn. Để giảm bớt nguy cơ gây xốp xương này, biện pháp tăng vận động để kích thích tạo xương và tăng dinh dưỡng như vừa nêu trên cũng áp dụng cho trường hợp này.
Với người cao tuổi, do sự giảm sút lượng hormon sinh dục theo sinh lý nên càng dễ xốp xương, do đó có thể cho người cao tuổi bổ sung hormon sinh dục nhưng không dùng biện pháp này cho bệnh nhân ung thư tuyến sinh dục hoặc phụ nữ đã mãn kinh trên 15 năm để tránh tăng sinh nội mạc tử cung quá mức. Các chế phẩm fluorid hoặc calcitonin rất có ích cho những trường hợp này. Ngoài ra alendronat (một biphosphonat) cũng được kê đơn nhiều để phòng và điều trị loãng xương do sử dụng corticoid. Khi kê đơn alendronat cần lưu ý tác dụng kích ứng tại chỗ mạnh, gây tổn thương niêm mạc thực quản và dạ dày; phải nhắc bệnh nhân KHÔNG được uống alendronat ở tư thế nằm, phải uống kèm một cốc nước to (200ml) và chỉ được nằm sớm nhất là 30 phút sau khi uống. Những người không thể ngồi được khoảng nửa giờ thì không được uống thuốc này vì nguy cơ thủng thực quản là rất cao.
3. Loét dạ dày- tá tràng
Một hiểu lầm hay gặp là corticoid gây loét dạ dày tá tràng. Theo các nghiên cứu lâm sàng, corticoid không gây tăng tỉ lệ bị loét dạ dày tá tràng, tuy nhiên trên cơ địa của người đã có tiền sử hoặc đang bị loét dạ dày tá tràng, tình trạng loét dạ dày tá tràng càng tồi tệ hơn. Tỷ lệ gây tai biến đường tiêu hóa của corticoid tuy không nhiều nhưng nếu gặp thường rất nặng, thậm chí có thể gây thủng dạ dày hoặc tử vong, các tai biến loại này thường gặp ở bệnh nhân cao tuổi. Tác dụng phụ này có nhiều trường hợp không phụ thuộc loại corticoid và liều nhưng đa phần tăng theo liều và độ dài điều trị.
Loét và thủng xảy ra cả khi dùng thuốc ngoài đường tiêu hóa (như ở dạng tiêm, viên đặt…) có thể dùng thuốc trung hòa dịch vị (như antacid) nhưng không được uống đồng thời với corticoid. Một số tác giả đề nghị dùng các chất kháng thụ thể H₂ (famotidin, ranitidin…), một số khác lại khuyên không dùng thuốc hỗ trợ vì ít tác dụng mà nên theo dõi chặt chẽ và xử lý sớm hoặc ngừng thuốc kịp thời khi có tai biến.
4. Hậu quả khi lạm dụng corticoid tại chỗ (nhỏ mắt, bôi ngoài da)
Các dạng bôi ngoài hoặc nhỏ mắt, nhỏ mũi có chứa corticoid rất nhiều. Các tác dụng không mong muốn thường gặp bao gồm: teo da, xơ cứng bì, viêm da ửng đỏ, mụn trứng cá hoặc bội nhiễm nấm và vi khuẩn, virus. Hiện tượng chậm liền sẹo không chỉ gặp với dạng bôi ngoài mà cả khi dùng đường toàn thân. Đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp hay gặp khi dùng dạng nhỏ mắt và do đó trên nhãn thuốc có chứa corticid phải ghi chống chỉ định cho những trường hợp này.
Không được nhỏ mắt các chế phẩm chứa corticoid khi nhiễm virus hoặc nấm. Hạn chế bôi kéo dài và khám bệnh nhân trước khi kê đơn. Không tự ý dùng thuốc là biện pháp tốt nhất để giảm tác dụng phụ này. Một tác dụng không mong muốn của corticoid là làm mỏng da nên hay được lạm dụng sử dụng trong các chế phẩm "kem trộn" làm trắng da thần tốc. Tuy nhiên, việc lạm dụng corticoid này sẽ gây mỏng da, bội nhiễm nấm, vi khuẩn, virus làm hỏng da nên cần hết sức tránh.
5. Hiện tượng ức chế dưới trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận (HPA)
Hệ trục dưới đồi tuyến yên thượng thận (HPA) là hệ trục ảnh hưởng lớn tới việc kích thích hay ức chế tạo các hormon sinh lý của cơ thể. Khi dùng những loại corticoid có tác dụng kéo dài như dexamethason, nồng độ thuốc trong máu luôn ở mức cao nên trục HPA bị ức chế mạnh hơn những loại có thời gian bán thải ngắn như hydrocortison hoặc prednisolon. Sử dụng corticoid một liều duy nhất vào buổi sáng tạo sự ức chế HPA thấp hơn khi chia làm 2-3 lần trong ngày. Trong điều trị kéo dài, nếu dùng lối uống cách ngày sẽ tạo được khoảng nghỉ cho tuyến và ít bị rối loạn trục HPA hơn lối dùng hàng ngày. Độ dài của đợt điều trị là quan trọng hơn cả vì nếu dùng liều cao, thậm chí rất cao nhưng chỉ trong vài ngày thì ngưng thuốc trục HPA cũng không bị ảnh hưởng; thế nhưng chỉ cần những liều thấp, ví dụ 5-20mg perdnisolon trong nhiều tháng thì khi ngừng thuốc dễ gặp hiện tượng suy thượng thận đột ngột.
Tuyến thượng thận chỉ trở về mức bình thường sau vài ba tháng, thậm chí một năm kể từ khi ngừng thuốc, do đó những bệnh nhân dùng thuốc kéo dài phải được giám sát chặt chẽ không chỉ trong thời gian điều trị mà cả tới 1 năm kể từ khi ngừng thuốc. Trong suốt thời gian đó, khả năng đáp ứng của tuyến với những stress mạnh là chưa đủ nên nếu xảy ra bất thường, ví dụ bị chấn thương nặng, phẫu thuật…thì việc đưa lại corticoid là bắt buộc để tránh trụy tim mạch do suy thượng thận cấp.
Sau khi điều trị dài ngày, việc dừng thuốc từ từ là điều bắt buộc. Thời gian giảm liều tùy thuộc liều dùng và độ dài của đợt điều trị. Khi sử dụng các corticoid có thời gian bán thải dài ( dexamethason) hoặc chế phẩm tác dụng kéo dài, phải giám sát bệnh nhân chặt chẽ. Quy tắc giảm dần liều cũng được áp dụng với các chế phẩm bôi ngoài khi bôi kéo dài vì nếu sau một thời gian bôi thuốc kéo dài, đặc biệt với các chế phẩm giải phóng chậm như fluocinolon acetonid (flucinar), lượng thuốc ngấm vào vòng tuần hoàn cũng gây ức chế HPA như khi dùng toàn thân vì khả năng thấm của corticoid qua da và niêm mạc rất lớn, đặc biệt là da của trẻ nhỏ rất mỏng nên ảnh hưởng cũng rất lớn. Cũng vì lý do này, khi dử dụng cho trẻ em nên chọn loại có thời gian bán thải ngắn hoặc trung bình và tránh băng ép để giảm khả năng thấm qua da.
6. Tình trạng thừa corticoid và bệnh cushing do thuốc
Khi sử dụng corticoid kéo dài cũng sẽ tạo hình ảnh Cushing như khi u thượng thận; sự khác nhau chỉ ở chỗ trong Cushing tự phát thì mức hydrocortisol trong máu tăng kèm theo sự tăng ACTH nhưng trong Cushing do thuốc thì ngược lại: mức ACTH giảm, các triệu chứng rối loạn do thừa androgen cũng ít gặp hơn hoặc ít trầm trọng hơn, phù do ứ Na⁺ và nước chỉ gặp khi sử dụng hydrocorticoid và prednisolon. Một hình ảnh Cushing đầy đủ và hiếm gặp; tuy nhiên khi gặp một trong các hiện tượng trên thì phải ngừng thuốc. Việc ngừng thuốc trong trường hợp này cần phải tuân theo quy tắc giảm liều từng bậc chứ không được giảm đột ngột. Sau khi ngừng thuốc, nếu bệnh tái phát thì nên sử dụng các thuốc đặc hiệu điều trị triệu chứng tốt hơn là quay lại dùng corticoid như giải quyết hen bằng thuốc giãn khí quản, giảm đau khớp bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)..