RƯỢU – TÁC NHÂN CẦN TRÁNH CỦA NHIỀU LOẠI THUỐC

Việc sử dụng thuốc trong điều trị không tránh khỏi việc tương tác ảnh hưởng, do ngoài việc  sử dụng thuốc, người bệnh còn sử dụng các thức ăn, đồ uống, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các loại thuốc khác. Vì vậy, việc cân nhắc các tương tác có thể xảy ra trong việc lựa chọn thuốc cho bệnh nhân để việc sử dụng thuốc hiệu quả và tránh những tương tác nghiêm trọng cho bệnh nhân, đặc biệt việc dùng rượu trong quá trình sử dụng một số thuốc.

1. Rượu và các thuốc tác dụng lên thần kinh trung ương

Nhiều bệnh nhân bị bệnh tâm thần do nghiện rượu, do đó khả năng gặp phải trường hợp bệnh nhân vừa uống thuốc vừa uống rượu không phải hiếm. Vì vậy, khi lựa chọn các thuốc có tác dụng lên thần kinh trung ương cho bệnh nhân cần chú ý để tránh những tương tác sau:

  • Các benzodiazepin như diazepam khi uống cùng với rượu sẽ gây thay đổi tâm tính rất mạnh ngay ở liều thường dùng. Sự thay đổi này chỉ có thể gặp ở liều rất cao nếu dùng đơn độc không có rượu.
  • Tác dụng kích thích ở liều nhỏ, ức chế ở liều cao của rượu làm ảnh hưởng nhiều đến tác dụng điều trị của các nhóm thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ, thuốc chống động kinh.

2. Rượu và các thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs)

Rượu làm tăng tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như viêm, loét, chảy máu của các thuốc chống viêm không steroid (aspirin…). Uống rượu cùng với paracetamol làm tăng nguy cơ viêm gan.

3. Rượu và thuốc chống tăng huyết áp

Do tác dụng giãn mạch ngoại vi của rượu, nếu uống đồng thời với các thuốc chống tăng huyết áp có thể có nguy cơ gây tụt huyết áp đột ngột quá mức cần thiết.

4. Rượu và các thuốc có hệ số mỡ/ nước cao

Rượu là dung môi tốt cho những thuốc có hệ số mỡ/ nước cao (như thuốc chẹn beta giao cảm) làm cho thuốc hấp thu quá nhanh, gây nên tác dụng đột ngột do tăng nồng độ thuốc trong máu trên mức điều trị.

5. Rượu và thuốc hạ đường huyết

  • Do tác dụng tăng cảm ứng enzym gan của rượu khi uống kéo dài, một số sulfamid hạ đường huyết có thể bị phá hủy nhanh hơn bình thường, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị.
  • Tác dụng hiệp đồng lên chuyển hóa carbohydrat dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết đột ngột, gây hôn mê.
  • Một số sulfamid như tolbutamid khi uống cùng với rượu gây phản ứng antabuse (sợ rượu).
  • Cá thuốc hạ đường huyết nhóm biguanid có thể gây acidose lactic nếu uống nhiều rượu trong thời gian điều trị. 

6. Rượu và thuốc kháng histamin

Các loại kháng histamin H1 có tác dụng ức chế thần kinh trung ướng, do đó khi uống cùng rượu sẽ xuất hiện tác dụng ức chế quá mức ngay ở liều thấp

Các loại kháng histamin H2 do tác dụng kìm hãm enzym ở tiểu thế gan làm chậm quá trình chuyển hóa rượu và tăng mức alcol trong máu, gây nhức đầu, buồn nôn.
 

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận