PHẢN ỨNG BẤT LỢI CỦA THUỐC (ADR): CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN

Sử dụng thuốc là con dao hai lưỡi. Bên cạnh những lợi ích to lớn trong phòng ngừa và điều trị bệnh, bản thân thuốc cũng có thể gây ra những phản ứng bất lợi, những bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho người dùng thuốc. Vì vậy việc xác định các yếu tố liên quan tới sự phát sinh phản ứng bất lợi trong quá trình sử thuốc cần phải được đề cao để tránh gặp tác dụng phụ cho bệnh nhân trong quá trình sử dụng thuốc.

1. Các yếu tố thuộc về bệnh nhân

1.1. Tuổi

Trẻ sơ sinh và người cao tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao.

Một số nghiên cứu cho thấy người cao tuổi gặp nhiều ADR (Phản ứng bất lợi do thuốc) hơn những bệnh nhân khác do:

-    Lạm dụng nhiều thuốc.

-    Thay đổi về dược động học, dược lực học do giảm chức năng hoạt động các cơ quan.

-    Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh, sử dụng nhiều thuốc nên dễ gặp tương tác thuốc.

Với trẻ sơ sinh thì nguy cơ gặp ADR ở trẻ sơ sinh tăng lên, đặc biệt là ở trẻ đẻ non bởi vì một số enzym liên quan đến chuyển hóa và thải trừ thuốc chưa đầy đủ. Các thuốc hay gây độc như: morphin, các barbiturat, các sulfonamid, các dẫn xuất của vitamin và cloramphenicol...

1.2. Giới tính

Nói chung, về cơ bản không có sự khác biệt lớn về nguy cơ gặp ADR giữa hai giới. Tuy nhiên, một số ADR hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới như:

-    Phụ nữ có thể nhạy cảm hơn với độc tính của các thuốc digoxin, heparin và captopril.

-    Triệu chứng thiếu máu bất sản do cloranphenicol gặp ở phụ nữ nhiều gấp 2 lần so với ở nam giới.

-    Chứng mất bạch cầu hạt do phenyblutazon gặp ở nữ nhiều gấp 3 lần so với nam giới.

1.3. Bệnh mắc kèm

Những bệnh mắc kèm có thể làm thay đổi đáp ứng của bệnh nhân đối với thuốc hoặc làm thay đổi dược động học của thuốc, dẫn tới phát sinh các ADR như

-    Điếc khi dùng kháng sinh aminoglycosid ở người có bất thường về thính giác; hoặc chảy máu trầm trọng do dùng warfarin, heparin ở người có sẵn thiếu hụt về yếu tố đông máu.

-    Các bệnh nhân mắc các bệnh về gan và thận có nguy cơ cao bị các ADR của những thuốc thải trừ ở dạng còn nguyên hoạt tính qua các cơ quan này.

-    Bệnh nhân nhiễm HIV: ở các bệnh nhân này, hệ miễn dịch bị suy giảm trầm trọng, khả năng thải trừ thuốc giảm vì vậy làm tăng độ nhạy cảm với độc tính của thuốc.

1.4. Tiền sử dị ứng hoặc phản ứng với thuốc

Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với một số thuốc cũng có thể gặp dị ứng với một thuốc khác có cấu trúc tương tự; ví dụ các trường hợp dị ứng với kháng sinh penicilin cũng có thể có dị ứng chéo với kháng sinh nhóm cephalosporin.

2. Các yếu tố thuộc về thuốc

2.1. Điều trị nhiều thuốc

-    Tần suất ADR tăng lên cao theo cấp số nhân với số lượng thuốc có trong một lần điều trị.

-    Tương tác thuốc cũng là một yếu tố làm tăng ADR: tương tác bất lợi của các thuốc có thể làm thay đổi sinh khả dụng hoặc làm thay đổi dược lực học của thuốc và do vậy gây ra các ADR trên bệnh nhân.

2.2. Liệu trình điều trị kéo dài

Nhiều ADR ít xuất hiện khi dùng thuốc trong thời gian ngắn nhưng tỉ lệ tăng lên khi dùng dài ngày như xuất huyết tiêu hóa do dùng các thuốc chống viêm không steriod (NSAIDs) hoặc corticoid kéo dài…

Hầu hết các thuốc cho dù được kê bởi các thầy thuốc lâm sàng giỏi cũng có thể gây ra phản ứng bất lợi trên bệnh nhân, thậm chí là các ADR nghiêm trọng. Vì vậy dựa trên các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân, bác sỹ cân nhắc việc lựa chọn thuốc cho bệnh nhân cũng như thời điểm sử dụng thuốc để tránh phản ứng bất lợi nghiêm trọng có thể xảy ra.

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận