Trẻ nhỏ là một nhóm đối tượng đặc biệt trong điều trị các bệnh do việc thay đổi và chưa hoàn thiện về hệ thống các tổ chức và cơ quan; cũng như khả năng dùng thuốc đường uống của trẻ rất khó khăn. Vì vậy, việc lựa chọn một dạng bào chế với một đường dùng phù hợp là một việc làm rất cần thiết khi điều trị cho trẻ em để đảm bảo được tác dụng dược lý của thuốc cũng như sự tuân thủ điều trị của trẻ nhỏ. Hãy cùng FYKOFA tổng kết các chú ý trong việc lựa chọn đường dùng thuốc cho trẻ nhỏ nhé.
1. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn chế phẩm thuốc
+ Trạng thái bệnh: Bệnh cấp tính, bệnh mãn tính, mức độ nặng nhẹ…
+ Tuổi: Trẻ càng nhỏ, việc cho uống thuốc càng khó khăn…
+ Liệu pháp điều trị phối hợp đang tiến hành: Đang phải truyền dịch, đang phải kiêng ăn mặn…
+ Thời điểm dùng thuốc thuận lợi: Tránh các thời điểm uống thuốc khi ở trường học hoặc bắt buộc uống trước khi ăn sáng 1 giờ… vì khó tuân thủ. Những trường hợp này nên chọn dạng thuốc tác dụng kéo dài hoặc có t½ dài, thuốc không bị thức ăn làm giảm hấp thu.
+ Khả năng có sẵn của dạng thuốc dự kiến
2. Một số đường đưa thuốc thường dùng cho trẻ em
2.1. Đường uống
Đây là đường dùng phổ biến nhất, dễ thực hiện nhất với hầu hết các đối tượng. Tuy nhiên với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, việc dùng các dạng thuốc viên thường khó khăn, khi đó nên chọn các dạng thuốc lỏng như siro, dung dịch, hỗn dịch uống,... Nhược điểm của thuốc dạng uống cho trẻ em, đặc biệt ở nước ta rất khó phân liều chính xác theo lứa tuổi. Hầu hết các chế phẩm đều là dạng phân liều cho người lớn và phải bẻ hoặc cắt nhỏ khi dùng cho trẻ em. Các dạng uống dễ phân liều như dạng dung dịch, siro, hỗn dịch uống… lại đắt. Trong trường hợp này, sự tham gia của dược sĩ trong việc chọn chế phẩm và cách chia liều là rất quan trọng.
2.2. Đặt trực tràng
Đây là đường dùng thuận lợi cho trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ ( trẻ dưới 3 tuổi), nhất là trong những trường hợp sốt cao, ốm nặng khi trẻ bỏ ăn và quấy khóc. Tuy nhiên, nhược điểm của dạng thuốc đặt trực tràng là không phải thuốc nào cũng có dạng bào chế này. Hơn nữa, điều kiện bảo quản khó khăn, đặc biệt là ở nước ta khi khí hậu nóng và trang bị bảo quản lạnh chưa có ở mọi hiệu thuốc. Giá thành của các viên đặt trực tràng đắt, sinh khả dụng không ổn định cũng là một vấn đề cản trở cho điều trị.
2.3. Đường tiêm
Đường tiêm được ưu tiên trong trường hợp bệnh nặng, cấp tính và những trường hợp không dùng được đường uống được (hôn mê, tắc ruột, nôn, trẻ không chịu uống thuốc…). Ưu điểm của đường dùng này là dễ phân liều chính xác, sinh khả dụng bảo đảm. Nhược điểm là giá thành điều trị đắt, không tự thực hiện được, đau do tiêm làm trẻ sợ.
Trong các cách tiêm, tiêm tĩnh mạch là đường dùng ưu tiên cho trẻ em. Tiêm bắp không khuyến khích vì cơ bắp trẻ chưa phát triển đầy đủ nên sinh khả dụng có thể không ổn định và có thể gây tổn hại cơ bắp trẻ em. Tiêm dưới da cũng không nên thực hiện vì khó chính xác. Khi sử dụng truyền tĩnh mạch, thể tích truyền mỗi lần phải phù hợp với lứa tuổi và cân nặng để tránh quá tải tuần hoàn.
2.4. Đường hô hấp qua dạng khí dung
Khó khăn khi dùng cho trẻ em là chọn dụng cụ phù hợp.Việc phối hợp động tác thở khi xịt thuốc không thể làm được ở trẻ nhỏ (dưới 8 tuổi); những trường hợp này nên dùng buồng phun. Sử dụng dạng phun mù luôn cần có người giúp đỡ cho trẻ, không nên để trẻ tự làm.