Nếu như Thủy đậu, Sởi là những căn bệnh phổ biến của mùa hè thì mỗi khi Đông đến, không thể không nhắc đến Viêm xoang. Độ ẩm thất thường, mật độ vi khuẩn và virus trong không khí gia tăng là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh "khó chịu" này
1. Viêm xoang là gì
Một trong những chức năng quan trọng của xoang mũi là làm ấm, làm ẩm, làm sạch và điều hòa không khí trước khi đưa vào phổi. Ở người khỏe mạnh bình thường, dịch trong xoang mũi được đẩy qua lỗ thông mũi xoang và đi ra ngoài, từ đó tránh được tình trạng viêm nhiễm do ứ đọng dịch.
Hình 1. Xoang mũi bình thường và bị viêm
Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng dẫn đến viêm lớp niêm mạc ở một hay một số xoang cạnh mũi.
Các xoang này là các hốc rỗng trong khối xương sọ được lót bởi niêm mạc với các sợi lông chuyển nhỏ trên bề mặt. Niêm mạc lót mũi xoang tạo ra chất tiết chảy xuống họng qua mũi.
Viêm xoang có thể cấp tính hoặc mạn tính. Dạng cấp tính thường xuất hiện vài lần trong năm, thường là mùa đông. Đối với mạn tính, tình trạng viêm thường kéo dài, thường là trong hơn 3 thàng
2. Nguyên nhân dẫn đến Viêm xoang
Nguyên nhân chủ yếu của Viêm xoang thường là do Vi khuẩn hoặc Virus. Ngoài ra còn có thể do khói bụi, dị vật, do dị ứng phấn hoa, lông thú nuôi,...
Viêm xoang cấp thường xảy ra sau đợt cảm cúm. Lớp niêm mạc lót các xoang do nhiễm trùng dẫn đến viêm, phù nề và làm chặn dòng chảy của dịch từ các xoang ra mũi, dẫn đến ứ đọng dịch, đây là lý do mà người mắc xoang thường có triệu chứng rất khó chịu là nghẹt mũi.
Viêm xoang mạn chủ yếu diễn tiến từ các bệnh lý cấp tính không được điều trị kịp thời. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến viêm xoang mạn như dị ứng, các bệnh lý hệ miễn dịch, các bất thường trong các xoang mũi, polyp mũi, dị vật u mũi, hay một số vấn đề về lớp lông chuyển trên lớp niêm mạc lót xoang mũi.
3. Triệu chứng của Viêm xoang
Viêm xoang cấp và mạn thông thường sẽ có các triệu chứng điển hình như:
Nghẹt mũi hay điếc mũi: Có thể nghẹt 1 bên hoặc cả 2 bên, không ngửi thấy mùi
Đau đầu, giảm trí nhớ: Thường diễn ra chủ yếu với viêm xoang trán, tùy vị trí mà cơn đau diễn ra liên tục hoặc lâu lâu mới xuất hiện.
Ho, hắt hơi: Thường xuất hiện thành từng cơn, vào ban đêm và gây khó ngủ.
Ngứa, mỏi mắt: Thường cùng bên với đau đầu, ngứa mắt và có thể giảm thị lực.
Hình 2. Nghẹt mũi - một trong những triệu chứng khó chịu của Viêm xoang
4. Điều trị Viêm xoang
Thuốc chống viêm nhóm Corticoid dạng xịt, sử dụng để làm dịu triệu chứng viêm xoang mũi. Với các thuốc xịt co mạch chỉ nên dùng trong vài ngày để tránh các tác dụng không mong muốn về lâu về dài.
Xịt rửa mũi bằng nước sạch hay các dung dịch rửa mũi như NaCl, các loại nước rửa mũi chuyên dụng để làm sạch, loại bỏ bụi bẩn, dị vật nhỏ. Ngoài ra có thể sử dụng xông tinh dầu.
Để tránh tình trạng nhiễm trùng lây lan, nên tiêm vacxin phòng bệnh cúm, và các bệnh nhiễm trùng cơ hội ở đường hô hấp trên.
Sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp chắc chắn có nhiễm khuẩn.
Đối với viêm xoang mạn tính, ngoài nội khoa, điều trị phổ biến nhất là can thiệp khoại khoa giúp làm thông xoang mũi (nội soi hoặc mổ hở). Vì đường thông từ xoang ra mũi bị che lấp khi niêm mạc bị viêm phù nề dẫn đến ứ đọng dịch.
Hình 3. Mổ nội sôi trong điều trị Viêm xoang
5. Phòng bệnh Viêm xoang
Đeo khẩu trang khi ra đường, sử dụng đồ bảo hộ lao động nếu làm việc trong môi trường khói bụi, độc hại.
Giữ môi trường sống xung quanh luôn sạch sẽ, khô thoáng, thường xuyên giặt chăn, mền, hay khăn lau, tránh xa khói bụi, chất thải, khói thuốc lá...
Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng mũi, và vai gáy khi đi ngoài trời lạnh, trời mưa, đặc biệt là buổi tối, hoặc sáng sớm những thời điểm dễ bị cảm và chuyển thành viêm xoang.
Vệ sinh mũi, súc miệng, súc họng thường xuyên với nước sạch hoặc dung dịch nước muối.
Nên uống nước đun sôi để nguội và uống nhiều nước vì nước làm loãng chất nhầy, bong lớp mũi đặc và tạo rãnh thông thoáng, dễ khạc đờm, tống bụi bẩn ra ngoài.
Nâng cao thể trạng, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc: tập luyện thể dục thể thao thường xuyên kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý ăn nhiều rau xanh, chất xơ, hoa quả…