Viêm loét dạ dày tá tràng phương pháp điều trị không dùng thuốc

Viêm loét dạ dày tá tràng là một bệnh khá phổ biến, ước chừng 5 – 10% dân số có viêm loét dạ dày tá tràng trong suốt cuộc đời mình. Hằng năm, tỷ lệ người bị loét dạ dày tá tràng có đợt đau phải điều trị và có những biến chứng nguy hiểm chiếm tới 50%. Như thế, theo quan điểm của các chuyên gia y tế, loét dạ dày tá tràng không phải là một bệnh khó chữa, nhưng tỷ lệ tái phát lại rất cao. Chính vì thế, ngoài tuân thủ theo phác đồ điều trị dùng thuốc theo hướng dẫn của các cơ quan y tế, thì việc áp dụng các phương pháp không dùng thuốc cũng góp phần không nhỏ vào việc giảm tái phát các đợt viêm loét dạ dày tá tràng tiến triển.


1. Tránh hoặc giảm các yếu tố gây stress
Sự căng thẳng thần kinh do stress tâm lý kéo dài là nguyên nhân làm các tế bào nhầy ở niêm mạc dạ dày giảm bài tiết HCO3- là yếu tố bảo vệ dạ dày trước các tác nhân gây hại. Cơ chế bệnh sinh của viêm loét dạ dày tá tràng là sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và yếu tố phá hủy. Vì thế, việc giảm các yếu tố gây stress là cần thiết để tăng cường yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày
2. Tránh hoặc giảm hút thuốc
Các bằng chứng điều tra về dịch tễ chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa việc hút thuốc lá và loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên, các chuyên gia có quan điểm không chắc chắn việc liệu rằng hút thuốc lá sẽ gây loét dạ dày. Nguy cơ bị loét tỷ lệ thuận với số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và tỷ lệ này giảm thấp khi hút ít hơn 10 điếu thuốc mỗi ngày. Việc hút thuốc lá sẽ ức chế bài tiết HCO3-, yếu tố gây gia tăng sự thoát dịch vị vào tá tràng, tạo nên các gốc tự do gây tổn thương đến niêm mạc dạ dày. Đồng thời, việc hút thuốc lá cũng làm chậm quá trình làm lành vết loét, thúc đẩy quá trình tái phát loét dạ dày tá tràng.
3. Tránh sử dụng các NSAIDs (thuốc kháng viêm không steroids) và aspirin
Các thuốc NSAIDs bao gồm cả thuốc dùng kê đơn và không kê đơn điều được sử dụng rộng rãi, đặc biệt trên người cao tuổi (trên 60 tuổi) để điều trị đau và viêm mạn tính. Aspirin liều thấp thường được sử dụng để giảm nguy cơ tim mạch và mạch máu não. Tuy nhiên có rất nhiều các nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa việc dùng NSAIDs (bao gồm cả aspirin) lâu dài với việc tổn thương đường tiêu hóa trên (bao gồm viêm loét dạ dày tá tràng).
NSAIDs thường gây loét dạ dày cao hơn loét tá tràng. Nguy cơ bị loét do NSAIDs tăng lên khi có thêm các yếu tố nguy cơ cụ thể khác (đặc biệt trên những người 60 tuổi và những người đã có tiền sử loét đường tiêu hóa), sử dụng liều cao NSAIDs và sử dụng dài kỳ, nhiễm HP, và sử dụng đồng thời với corticoid. 

(Xem thêm bài: Ảnh hưởng của thuốc NSAIDs đối với Viêm loét dạ dày tá tràng)
4. Người viêm loét dạ dày nên tránh thức ăn và đồ uống gây lên khó tiêu hoặc làm trầm trọng hơn triệu chứng loét (như đồ ăn cay, caffeine, rượu, bia..)

Cafein trong cà phê là một chất kích thích tăng tiết acid dạ dày. Cafein là thành phần có trong cà phê, trà, đồ uống có ga, bia và rượu vang cũng có thể làm tăng tiết acid dạ dày. Kể cả việc uống rượu với nồng độ cao cũng có liên quan đến tổn thương niêm mạc dạ dày cấp tính và chảy máu đường tiêu hóa trên. Tuy nhiên các quan điểm y tế lại chỉ ra rằng việc hạn chế các đồ uống cũng như chế độ ăn kiêng không thay đổi tần suất tái phát loét. Thế nhưng, sự thật là cà phê, trà, đồ uống có ga, bia, sữa và một số gia vị sẽ gây khó tiêu, đầy hơi. Vì vậy việc giảm các thức ăn và đồ uống này sẽ nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân đang điều trị viêm loét dạ dày tá tràng.

Việc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng ngoài tuân thủ chặt chẽ phác đồ khuyến cáo của các cơ quan y tế thì một số phương pháp điều trị không dùng thuốc cũng góp phần không nhỏ vào việc giảm tần suất tái phát loét dạ dày tá tràng, tăng tốc độ làm lành vết loét, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận