VIÊM LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG : ĐỊNH NGHĨA, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN, XỬ TRÍ

1. Định nghĩa

Viêm loét dạ dày-tá tràng là bệnh xảy ra do mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và yếu tố gây loét dẫn đến tổn thương, viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Những tổn thương này xảy ra khi lớp niêm mạc (màng lót bên trong cùng) của dạ dày hay tá tràng bị bào mòn và các lớp bên dưới thành dạ dày hay thành ruột sẽ bị lộ ra.

Vết loét ở tá tràng thường chiếm 95%, vết loét ở dạ dày thường chiếm 60%, trong đó vết loét ở bờ cong nhỏ dạ dày chiếm 25% các trường hợp.

2. Nguyên nhân

Loét dạ dày tá tràng có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do :

  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (vi khuẩn HP) ở dạ dày : Đây là một trong những tác nhân chính gây ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh viêm loét dạ dày- tá tràng. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn sẽ chui vào trong lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày-tá tràng và tiết ra các độc tố làm mất chức năng của niêm mạc chống lại axít.

 

  • Do dùng thuốc : thuốc chống đông máu aspirin, thuốc kháng viêm nonsteroid NSAIDs (ibuprofen,…), thuốc Corticoid,.. Đây là nguyên nhân thứ hai sau nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Việc sử dụng lâu dài các thuốc này làm ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin, là chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, gây viêm loét dạ dày- tá tràng.
  • Hội chứng Zollinger-Ellison (tình trạng bài tiết axit quá nhiều, phá hủy màng lót dạ dày)
  • Có khối u trong dạ dày, tá tràng hoặc lá lách.
  • Nguyên nhân khác : stress, thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý

 

3. Triệu chứng

  • Đ  au vù ng bụng trên rốn (đau vùng thượng vị) : Đây là một trong các dấu hiệu chính của bệnh viêm loét dạ dày. Nếu loét tá tràng thì cơn đau thường sẽ xuất hiện vào lúc đói hoặc là lúc sau ăn khoảng 2 - 3 tiếng, có thể đau vào lúc nửa đêm về sáng, lan ra sau lưng. Cơn đau xuất hiện âm ỉ, đau tức bụng hoặc đau quặn từng cơn.
  • Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn hay nôn : Cảm giác bị đầy bụng, khó tiêu là do dạ dày đã bị tổn thương, kéo theo hoạt động tiêu hóa chậm lại, khiến cho người bệnh thường cảm thấy chướng bụng, đầy hơi.
  • Mất ngủ, ngủ không ngon giấc : do bụng bị đầy hơi, bụng nặng cảm giác khó tiêu, hay do đau lúc bụng đói nửa về đêm sáng.
  • Ợ hơi, ợ chua, hoặc nóng rát thượng vị : Ợ hơi, hoặc ợ chua là những dấu hiệu rất hay gặp phải ở những bệnh nhân bị bệnh trong thời kỳ đầu. Ợ nóng rát thượng vị thường xuất hiện ở bệnh nhân có trào ngược dạ dày thực quản hơn.
  • Rối loạn tiêu hóa : Một dấu hiệu của viêm loét dạ dày-tá tràng nữa đó là có triệu chứng bị tiêu chảy hoặc táo bón.

Tuy nhiên, các triệu chứng kể trên chỉ có mang tính chất gợi ý chứ không thể chẩn đoán một cách chính xác. Người bệnh nên đến bệnh viện để được tiến hành các thủ thuật chuyên khoa, xét nghiệm kiểm tra, và đặc biệt là tiến hành nội soi dạ dày-tá tràng. Phương thức nội soi sẽ giúp chúng ta biết được chính xác vị trí, mức độ tổn thương của bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng, hay có nhiễm vi khuẩn HP hay không. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra được chỉ định và phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả nhất cho người bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng.

 

4. Chẩn đoán

Ngoài khám lâm sàng, dựa vào triệu chứng người bệnh kể, áp dụng một số biện pháp sau để chẩn đoán bệnh dạ dày.

  • Nộ i soi chẩn đoán: Nhằm phát hiện thương tổn trên dạ dày, tá tràng một cách chính xác như viêm, xung huyết, loét, u, ……
  • Phát hiện nhiễm vi khuẩn HP bằng các phương pháp:
    – Huyết thanh chần đoán (IgG ): Thử máu
    – Xét nghiệm hơi thở
    – Xét nghiệm tìm kháng nguyên trong phân
    – Nội soi bấm mẫu mô sinh thiết:  Clo test

5. Xử trí

Bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng ở thời kỳ sớm và được phát hiện kịp thời sẽ dễ dàng điều trị. Nếu để bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính thì sẽ khó chữa khỏi dứt điểm và thường gây các biến chứng đáng tiếc. Do vậy, khi chúng ta phát hiện ra những dấu hiệu hay triệu chứng nghi ngờ mình có khả năng bị viêm loét dạ dày, ngoài việc điều chỉnh và duy trì các chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ, hạn chế ăn các thức ăn có tính kích thích, người bệnh nên đến bệnh viện, phòng khám gần nhất để được chẩn đoán; đồng thời có các phương pháp, phác đồ điều trị bệnh thích hợp.

Đầu tiên là ngưng ngay thuốc kháng viêm không sreroid (NSAID) hay dùng các phác đồ tiệt trừ vi khuẩn Helicobacter pylori, nếu có. Hiện nay do việc đề kháng thuốc lan rộng của vi khuẩn nên phác đồ thường dùng là phác đồ 4 thuốc có Bismuth hoặc có Levofloxacin.

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận