VIÊM KHỚP DẠNG THẤP: CƠ CHẾ, TRIỆU CHỨNG, MỤC TIÊU ĐIỀU TRỊ

Viêm khớp dạng thấp là tình trạng bệnh khớp mạn tính theo cơ chế tự miễn dịch, tổn thương cơ bản tại màng hoạt dịch với biểu hiện bởi tình trạng khớp viêm mạn tính có xen kẽ các đợt tiến triển.
Viêm khớp dạng thấp được đặc trưng bởi các biểu hiện rõ ràng hơn viêm thoái hóa khớp như các biểu hiện cứng khớp buổi sáng, các yếu tố dạng thấp trong huyết thanh, các hạt thấp dưới da… Bệnh có tỷ lệ tàn phế cao do tình trạng hủy khớp được đánh giá trên X-quang. Vì vậy, việc phát hiện, điều trị viêm khớp dạng thấp rất quan trọng và cần thiết để tránh các biến chứng và tiến triển của bệnh. 

1.    CƠ CHẾ BỆNH SINH
-    Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp chưa rõ, các chuyên gia y tế cho rằng viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn với sự tham gia của nhiều yếu tố như nhiễm khuẩn hoặc di truyền.
-    Kháng nguyên là các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể gấy khởi phát một chuỗi các phản ứng miễn dịch, trong đó các tế bào lympho T (*) đóng vai trò then chốt.
Kháng nguyên sau khi tiếp xúc với tế bào lympho T sẽ kích thích quá trình trình diện kháng nguyên, đôi khi, các kháng nguyên sẽ kích thích các tế bào lympho B tạo ra kháng thể và nguyên bào (yếu tố dạng thấp có bản chất là globulin miễn dịch), tạo các phức hợp miễn dịch lắng động tại màng hoạt dịch của khớp, để gây tổn thương và phá hủy khớp. Đại thực bào bị kích thích bởi các phản ứng miễn dịch có thể kích thế tế bào lympho T và nguyên bào xương, thúc đẩy quá trình viêm. Các đại thực bào cũng có thể kích thích các nguyên bào sợi, suy giảm mật độ xương và tạo ra các cytokin tiền viêm.

Các tế bào lympho T được kích hoạt và các đại thực bào giải phóng các yếu tố thúc đẩy phá hủy mô, tăng lưu lượng máu, dẫn đến sự xâm lấn tế bào của mô hoạt dịch và dịch khớp, dẫn tới phá hủy màng hoạt dịch, cấu trúc xương, gây ra phản ứng viêm. Hậu quả của quá trình này là hình thành màng máu màng hoạt dịch (pannus). Màng máu màng hoạt dịch này tăng sinh và phì đại, xâm lấn sâu vào đầu xương dưới sụn gây nên bào mòn xương và hủy khớp, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng dính và biến dạng khớp.
Dựa trên sự hiểu biết về cơ chế mà các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp nhằm vào các đích, ức chế từng loại tế bào, từng loại cytokin. Đây chính là mục tiêu điều trị cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
-    Một số yếu tố thuận lợi khởi phát quá trình bao gồm:
+ Nhiễm khuẩn: (Virus Parvo, virus Epstein-Barr, vi khuẩn đường ruột)
+ Cơ địa: cơ thể suy yếu, chấn thương
+ Yếu tố môi trường: môi trường lạnh ẩm kéo dài
+ Tuổi: trên 40 tuổi, đặc biệt trên phụ nữ
+ Yếu tố gia đình

2.    TRIỆU CHỨNG VIÊM KHỚP DẠNG THẤP
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn, mạn tính ảnh hưởng đến khớp và có thể gây tàn phế nặng nhề. 
Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp sẽ bị đau và sưng nề khớp trong khoản thời gian trên 6 tháng. Bệnh nhân cũng có thể có các dấu hiệu khác như: mệt mỏi, sốt nhẹ, ăn kèm ngon. Đôi khi có đau cơ và mệt mỏi và buổi chiều. Giai đoạn muộn có thể gặp biến dạng khớp.

2.1.    Biểu hiện tại khớp
-    Vị trí khớp tổn thương thường gặp là khớp ngón gần, bàn ngón, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân.. (các khớp nhỏ, khớp nhỡ)

-    Cứng khớp buổi sáng: kéo dài ít nhất 45 phút sau khi bắt đầu cử động khớp
-    Trong các đợt tiến triển: khớp sưng đau, nóng, ít khi đỏ, thường hay gặp ở khớp bàn ngón tay và bàn chân, khớp cổ tay, khớp liên đốt gần và phân bố đối xứng
-    Đau kiểu viêm
-    Các khớp có dạng hình thoi, nốt thấp có thể gặp ở cá khớp.
Nếu bệnh viêm khớp dạng thấp không được kiểm soát, bệnh nhân sẽ có nhiều đợt tiến triển liên tiếp, hoặc sau một thời gian diễn biến mạn tính, các khớp nhanh chóng bị biến dạng thành bàn tay gió thổi, cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay hình cổ cò, ngón tay của người thợ thùa khuyết, ngón gần hình thoi… Giai đoạn muộn, thường tổn thương các khớp vai, háng. Có thể tổn thương cột sống cổ, gây những biến chứng về thần kinh (có thể liệt tứ chi). Các di chứng này bệnh nhân trở thành người tàn phế

                            

2.2.    Biểu hiện ngoài khớp
-    Hạt dạng thấp (Rheumatid nodules) (hạt thấp dưới da): vị trí xuất hiện của hạt này thương trên các xương trụ gần khớp khủy, trên cương chày gần khớp gối hoặc quanh các khớp nhỏ ở bàn tay. Có thể có một hoặc nhiều hạt. Hạt chắc, không di động, không đau, không bao giờ vỡ.

-    Viêm mao mạch: biểu hiện dạng hồng ban ở gan chân tay, hoặc các tổn thương hoại tử tiểu động mạch ở quanh móng, đầu chi, hoặc tắc mạch lớn thực sự gây hoạt thư (tiên lượng nặng)
-    Gân, cơ, dây chằng và bao khớp: các cơ cạnh khớp teo do giảm vận động. Có thể gặp triệu chứng viêm gân (thường gặp ở gân Achille), đôi khi có đứt gân (thường gặp ngón tay gần của ngón tay thứ 4, 5). Dây chằng có thể co kéo hoặc lỏng lẻo.
-    Biểu hiện nội tạng: hiếm gặp, thường xuất hiện trong các đợt tiến triển
+ Phổi: viêm khớp dạng thấp gây nhiều bất thường về chức năng phổi như nốt thấp ở phối đơn độc, bệnh phổi mô kẽ với thâm nhiễm phổi hoặc tiến triển xơ hóa phổi, viêm phối, tràn dịch màng phổi
+ Mắt: viêm màng cứng (Scleritis) với mắt đỏ và đau
+ Nguy cơ tim mạch: Bệnh nhân có tình trạng viêm mạn tính dẫn đến tăng nguy cơ biến chứng mạch máu lớn như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
-    Các triệu chứng khác:
+ Hội chứng thiếu máu: nguyên nhân do quá trình viêm mạn tính hoặc thiếu máu do xuất huyết đường tiêu hóa gây nên bởi các thuốc corticoid hoặc thuốc chông viêm không steroid, hoặc do sự suy tủy xương (gây nên bởi các thuốc nhóm DMARD’s như methotrexat)
+ Rối loạn thần kinh thực vật: xuất hiện các cơn bốc hỏa, thay đổi tính tình.
+ Các biểu hiện hiếm gặp: hội chứng đường hầm cổ tay, cổ chân do tổn thương dây chằng, hủy khớp trong bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm mống mắt, nhiễm bột ở thận

3.    MỤC TIÊU ĐIỀU TRỊ
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, mạn tính. Vì vậy, việc điều trị viêm khớp dạng thấp đòi hỏi lâu dài và kiên trì nhằm kiểm soát các triệu chứng cũng như tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Mục tiêu điều trị cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp bao gồm:
-    Kiểm soát triệu chứng: giảm hoặc loại trừ đau, sưng và cứng khớp
-    Bảo vệ cấu trúc khớp
-    Làm giảm sự tiến triển của bệnh
-    Kiếm soát những biến chứng toàn thân
-    Duy trì vận động, và phòng ngừa sự bất động, mất chức năng khớp
-    Duy trì chất lượng cuộc sống
-    Giảm thiểu tối đa tác dụng phụ của các thuốc điều trị.
Do đó, việc điều trị viêm khớp dạng thấp là sự phối hợp nhiều phương pháp bao gồm các phương pháp dùng thuốc, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, quản lý bệnh nhân, giáo dục và tư vấn. Ngay trong phương pháp sử dụng thuốc cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cũng đòi hỏi cần kết hợp nhiều nhóm thuốc, với mục đích khác nhau cũng như đòi hỏi bệnh nhân sử dụng duy trì nhiều năm đôi khi phải suốt đời.
Chính vì thế, việc giáo dục cho bệnh nhân hiểu về viêm khớp dạng thấp, kiên trì sử dụng theo hướng dẫn của bác sỹ là điều cần thiết để tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

Xem thêm: Các phương pháp điều trị Viêm khớp dạng thấp

------------------------------------------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bệnh học nội khoa, Đại học Y Hà Nội

2. Dược lâm sàng, Những nguyên lý cơ bản và sử dụng thuốc trong điều trị, Trường Đại học Dược Hà Nội

3. Pharmacotherapy 9th
 

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận