UNG THƯ - SỰ PHÁT TRIỂN BỆNH UNG THƯ

Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào. Các tế bào trong cơ thể đều có những chức năng cụ thể và tuổi thọ nhất định. Tế bào mới chỉ được sinh ra để thay thế cho các tế bào chết đi (theo chu trình tế bào) hoặc tế bào bị tổn thương. Tuy nhiên, khi bị kích thích bởi các tác nhân sinh ung thư, các tế bào tăng sinh một cách vô hạn độ, vô tổ chức, không tuân theo cơ chế kiểm soát của cơ thể. Kết quả là, chúng tích tụ lại, hình thành khối u, làm suy giảm hệ thống miễn dịch... thậm chí là di chuyển đến các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể.

Ung thư xảy ra do nhiều nguyên nhân và tiến triển qua nhiều giai đoạn. Quá trình tiến triển của bệnh ung thư thường chậm, kéo dài và thường bao gồm các giai đoạn sau:

1. Giai đoạn khởi đầu

Đây là giai đoạn mà các tế bào tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư, dẫn đến làm tổn thương vĩnh viễn ADN và xuất hiện các đột biến. Các tác nhân đó có thể là khói thuốc lá, rượu bia, thực phẩm, tia phóng xạ, virus, vi khuẩn...Quá trình này diễn ra rất nhanh và hoàn tất trong khoảng vài phần giây với đặc điểm là không thể đảo ngược được.

Trong cuộc đời con người, nhiều tế bào có thể trải qua giai đoạn khởi phát nhưng không phải tất cả tế bào đều sinh bệnh. Đa số các tế bào được khởi phát hoặc là không tiến triển thêm, hoặc là chết đi, hoặc bị cơ chế miễn dịch vô hiệu hóa.

Tuy nhiên, nếu tiếp xúc thường xuyên, lâu dài với các chất độc hại hoặc các yếu tố thúc đẩy, đột biến mới hình thành có thể thúc đẩy tiến trình ung thư phát triển.

Giai đoạn này là giai đoạn vàng để khống chế, ngăn ngừa ung thư. Bằng việc thay đổi chế độ ăn và duy trì một lối sống lành mạnh như tập thể dục hàng ngày, không hút thuốc lá, tránh lạm dụng rượu bia, sử dụng kem chống nắng để tránh tác động của các tia có hại... thì đã góp phần rất lớn giảm thiểu nguy cơ ung cơ cũng như nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

2. Giai đoạn thúc đẩy

Khi các tế bào bị đột biến bởi các tác nhân gây ung thư, chúng rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như các hormon, gốc tự do...Điều này thúc đẩy sự tăng sinh của tế bào. Các tế bào sản sinh một lượng lớn protein nhằm phát triển một cách tự do mà không cần phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài dẫn đến sự tăng trưởng mất kiểm soát. Giai đoạn này có thể kéo dài vài tháng đến vài năm, nhưng đôi khi rất dài, có thể đến 40 năm.

Ở giai đoạn này vẫn có thể can thiệp để ngăn chặn sự phát triển vì hầu hết các yếu tố trên có thể được kiểm soát thông qua lối sống. Nhưng, một khi các tế bào ung thư phát triển, vượt qua giai đoạn này thì vấn đề trở nên cực kì nguy hiểm.

3. Ung thư tiến triển - xâm lấn - di căn

Giai đoạn này được đặc trưng bởi sự gia tăng kích thước các khối u do sự tăng sinh không kiểm soát của các nhóm tế bào. Ở giai đoạn này, chúng đã đạt đến sự độc lập và ngày càng tăng cường nhiều đặc điểm ác tính.

Các tế bào ung thư đã phát triển đến giai đoạn này đều sở hữu các đặc tính chung khác với tế bào bình thường như:

- Tế bào tăng sinh không kiểm soát được

- Tế bào mất biệt hóa, mất chức năng

- Có sự xâm lấn sang các mô lân cận, tiết ra các enzym để phá hủy các mô xung quanh và thành lập mạch máu riêng để nuôi dưỡng khối u

- Di căn: các tế bào ung thư ở mô nguyên phát có thể di chuyển đến thành lập mô thứ phát ở các cơ quan khác.

Có 2 loại thường gặp:

- Ung thư biểu mô: xuất phát từ tế bào biểu mô của các tạng, các cơ quan và thường di căn theo đường bạch huyết.

Ví dụ: ung thư biểu mô phổi, ung thư vú..

- Ung thư tổ chức liên kết: xuất phát từ các tế bào của tổ chức liên kết và thường di căn theo đường mạch máu.

Ví dụ: ung thư xương, ung thư phần mềm..

Ngoài ra còn các đường khác như qua hố thanh mạc, do cấy truyền...Nhưng dù theo con đường nào thì hậu quả của di căn là nguy hiểm như nhau.Tuy nhiên, không phải tất cả các tế bào ác tính đều có khả năng di căn, người ta thấy một số dòng tế bào có khả năng di căn, một số dòng có khả năng xâm lấn còn một số thì nằm im trong tổ chức ung thư .

Quá trình tiến triển của bệnh thường chậm và kéo dài, các rối lọan chức năng của cơ thể chỉ xuất hiện khi khối u phát triển đủ to để phát hiện được trên lâm sàng, triệu chứng đau thường xảy ra ở giai đoạn cuối. Do đó, thời điểm phát hiện bệnh thường muộn, dẫn đến khó chữa trị và tỷ lệ tử vong thường cao. Chính vì vậy, việc hiểu biết về bệnh để có những biện pháp phòng ngừa có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc phải chữa trị căn bệnh này.

=====

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ths. Trần Thị Hợp, Ths. Đào Tiến Lục(2009).” Quá trình tiến triển tự nhiên của ung thư” Ung thư học đại cương, nxb Giáo dục Việt Nam, trang 28-32

“Ung thư”. Bệnh viện Quân y 103 (2015)

Đào Thị Vui(2012). “Thuốc điều trị ung thư”.Dược lý học, nxb Y Học, tập 2, trang 242

=====

Người viết bài: Nguyễn Diệu Quế Anh

Hiệu đính: TS.DS Ngô Thiện

======

Để nhận tư vấn về sản phẩm và đặt hàng, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM FYKOFA

Hotline: 1800 234 555 (Miễn phí)
Email: info@fykofa.com
Website: www.fykofa.com
Fanpage: www.fb.com/duocphamFYKOFA

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận