Hiện nay, có nhiều liệu pháp điều trị ung thư. Các liệu pháp này có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau. Việc điều trị bằng liệu pháp nào sẽ phụ thuộc vào loại ung thư mà người bệnh gặp phải và những lợi ích mà liệu pháp đó mang lại.
1. Phẫu thuật
Mục đích của việc phẫu thuật là nhằm loại bỏ một cách nhanh nhất các khối u ra khỏi cơ thể. Đây là phương pháp điều trị cục bộ, có hiệu quả tốt đối với những khối u rắn khu trú tại một vị trí nào đó trong cơ thể, do đó không được dùng để điều trị cho bệnh bạch cầu (một loại ung thư máu) hoặc cho các trường hợp ung thư đã di căn.
Hình 1. Phẫu thuật ung thư thực quản
2. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng bức xạ liều cao để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách làm hỏng ADN của chúng. Khi các tế bảo tổn thương chết đi, chúng sẽ bị cơ thể phá vỡ và loại bỏ, từ đó giúp thu nhỏ khối u. Tuy nhiên, nó không chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng đến các tế bào và mô khỏe mạnh gần khu vực điều trị, do đó gây ra một số tác dụng phụ như rụng tóc, buồn nôn, táo bón, đau rát tại vùng xạ trị....
Xạ trị không tiêu diệt tế bào ung thư ngay lập tức. Phải mất vài ngày hoặc vài tuần điều trị trước khi ADN bị tổn thương đủ để tế bào ung thư chết đi. Sau đó, chúng sẽ tiếp tục chết trong vài tuần hoặc vài tháng kể từ khi quá trình xạ trị kết thúc.
Hình 2. Liệu pháp proton trong điều trị ung thư
3. Hóa trị
Đây là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự tăng sinh vô tổ chức của các tế bào ung thư. Một số bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc để điều trị, nhưng trong hầu hết các trường hợp phải phối hợp với các liệu pháp khác.
Hình 3. Một số thuốc hóa trị trong ung thư
Lợi ích của hóa trị khi phối hợp với các liệu pháp khác:
- Làm giảm kích thước khối u trước khi phẫu thuật hoặc xạ trị.
- Tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau khi phẫu thuật hoặc xạ trị.
- Giúp tăng cường hiệu quả của các liệu pháp phối hợp.
- Tiêu diệt các tế bào ung thư tái phát hoặc di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Hóa trị ngoài tác động đến tế bào của khối u, nó còn tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của các tế bào bình thường trong cơ thể. Điều này gây ra các tác dụng phụ như rụng tóc, tiêu chảy, thiếu máu, suy giảm miễn dịch....
4. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là một loại liệu pháp sinh học, sử dụng các chất được tạo ra từ cơ thể sống như các kháng thể đơn dòng, vacxin, cytokine... để điều trị ung thư.
Liệu pháp miễn dịch có ưu điểm hơn so với hóa trị hay xạ trị là giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp phát hiện chính xác các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng chứ không làm ảnh hưởng đến các tế bào lành. Do đó đã được chấp thuận để điều trị nhiều loại ung thư, tuy nhiên vẫn chưa được sử dụng rộng rãi như các phương pháp trên.
5. Liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone là một phương pháp mà trong đó người bệnh sử dụng thuốc để làm giảm khả năng sản xuất hoặc cản trở hoạt động của hormone trong cơ thể, thường dùng trong điều trị các loại ung thư cần sử dụng hormone để phát triển như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt...
6. Liệu pháp điều trị tại đích (nhắm đích)
Liệu pháp này cũng điều trị bằng cách sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, tuy nhiên nó khác so với hóa trị thông thường. Ung thư bắt đầu khi một gen nào đó trong tế bào bình thường bị đột biến. Khi gen thay đổi, dẫn đến protein cũng thay đổi theo. Chính những thay đổi này làm cho tế bào tăng sinh bất thường hoặc sống quá lâu và từ đó hình thành nên khối u. Các nhà nghiên cứu tìm hiểu về những thay đổi này đối với từng loại ung thư nhất định, từ đó phát triển những loại thuốc nhắm vào những thay đổi đó.
7. Cấy ghép tế bào gốc
Cấy ghép tế bào gốc là quy trình phục hồi các tế bào gốc tạo máu ở những bệnh nhân sau hóa trị hoặc xạ trị. Các tế bào gốc này rất quan trọng, vì chúng phát triển thành các tế bào máu khác nhau như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
Phương pháp này thường được sử dụng chủ yếu cho các bệnh nhân bị bệnh bạch cầu, ung thư hạch bạch huyết, hoặc những trường hợp u nguyên bào thần kinh, đa u tủy…
8. Kỹ thuật nhiệt động
Kỹ thuật này sẽ tiêu diệt tế bào ung thư ở nhiệt độ rất lạnh. Một đầu dò mảnh được đưa trực tiếp vào khối u qua một vết rạch trên da. Sau đó, một loại khí được đưa vào thông qua đầu dò. Kỹ thuật nhiệt động có thể được sử dụng khi phẫu thuật không phải là lựa chọn, đồng thời cũng được dùng trong giảm đau hoặc các triệu chứng khác do ung thư di căn đến xương hoặc các cơ quan trong cơ thể.
9. Kỹ thuật cắt bỏ khối u bằng sóng cao tần
Kỹ thuật cắt bỏ khối u bằng sóng cao tần là một kỹ thuật ngược với kỹ thuật nhiệt động, phương pháp này sử dụng năng lượng điện để đốt nóng các tế bào ung thư thay vì nhiệt độ lạnh như phương pháp trên. Hiệu quả của phương pháp này tương tự như phẫu thuật, và có thể coi như liệu pháp phẫu thuật không sử dụng đến dao kéo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
“Types of cancer treatment”. National Cancer Institude
“Cancer treatment” (2020). Mayo clinic
TS. Nguyễn Ngọc Kim Vy (2018). “Hiểu về liệu pháp nhắm đích”. Y học cộng đồng
=====***=====
Người viết bài: Nguyễn Diệu Quế Anh
Hiệu đính: TS. DS. Ngô Thiện