PHÒNG TRÁNH SỐT XUẤT HUYẾT?

Tính đến tháng 9/2020, Việt Nam ghi nhận 70.585 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 7 ca tử vong. Trong đó 10 tỉnh có số ca mắc tuyệt đối cao nhất cả nước là TP HCM, Phú Yên, Khánh Hòa… Hà Nội đứng thứ 10 với 1.993 ca mắc.

Theo TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: "Chỉ mới 3 tuần gần đây số ca mắc tăng mạnh và đạt ngưỡng cảnh báo. Nguyên nhân do ý thức của cộng đồng chưa cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, nhà trọ, lán trại... là môi trường thuận lợi cho muỗi và loăng quăng truyền bệnh, khó kiểm soát triệt để."

Hình 1. Lăng quăng - trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, hiện đang vào mùa mưa, dịch bắt đầu gia tăng, đạt đến đỉnh vào khoảng tháng 10-11. Để phòng chống dịch sốt xuất huyết, người dân cần nâng cao ý thức phòng dịch: Thực hiện ngủ màn, phát quang bụi rậm, úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng tránh muỗi vằn đẻ trứng sinh ra bọ gậy gây bệnh.

1. Phòng chống muỗi đốt

Phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách chống muỗi đốt bao gồm không cho muỗi hút máu người bằng các biện pháp:

- Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

- Dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi...Bình xịt côn trùng trong nhà, hương muỗi hoặc kem xua muỗi có thể làm giảm hoạt động chích đốt của muỗi.

- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ đều có thể làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt mọi người trong gia đình.

- Khi đi vào khu vực muỗi mang mầm bệnh, nên mặc quần áo dài tay; nên thoa kem chống muỗi ở các vùng da không được quần áo che chắn như cánh tay, mặt, chân và cổ.

- Người bị sốt xuất huyết cần được nằm trong màn, tránh muỗi đốt khiến bệnh lây lan cho người khác.

2. Kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh lây truyền do virus Dengue theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti. Muỗi cái đẻ trứng ở nơi có nước đọng như: Dụng cụ chứa nước của gia đình (chum, thau, vại, bể nước,...), trong những mảnh bát vỡ có nước đọng, thậm chí là cả ở lốp xe ô tô, chai lọ,... Sau 2 - 3 ngày, trứng muỗi nở thành bọ gậy (loăng quăng), sau đó phát triển thành muỗi vằn. Muỗi vằn thường sống trong nhà, trú ẩm ở những nơi tối, ẩm thấp.

Thực hiện theo CT 07/CT-BYT với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”, mỗi người dân, gia đình cần chủ động xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng, các biện pháp diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt.

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào đẻ trứng.

- Một vòng đời của muỗi cái có thể đẻ từ vài chục đến vài trăm trứng. Do đó, các hộ gia đình có thể thả cá nhỏ, cá bảy màu hoặc cá cờ vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy.

- Rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp...) hàng tuần. Có thể dùng bàn chải cọ kỹ mép dụng cụ chứa nước vì muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng ở mép nước.

- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến để tránh nước đọng. Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng sẽ giúp hạn chế nơi trú ẩn của muỗi.

Hình 2. Các biện pháp kiểm soát trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết

- Xông khói để xua muỗi. Phun thuốc diệt muỗi trước mùa ẩm thấp.

- Phát quang cây cối: Vừa làm giảm nơi sinh sản của các loài thích đẻ trứng trong các ổ nước có bóng râm, vừa phá bỏ nơi trú ẩn của muỗi trưởng thành. Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh.

Hình 3. Các biện pháp kiểm soát trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết

3. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân phối hợp thực hiện

Ngoài việc áp dụng các biện pháp trên thì tăng cường ý thức cho mọi người trong phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Phòng bệnh sốt xuất huyết sẽ không còn là vấn đề nan giải nếu áp dụng đúng và đủ các biện pháp cần thiết.

- Vận động người dân tích cực tham gia vào các hoạt động vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.

- Các xã, phường, thị trấn tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường hàng tuần phòng chống dịch theo hướng dẫn chuyên môn của cơ quan y tế.

- Tăng cường công tác tuyên truyền nhưng cũng kiên quyết xử phạt đối với những cá nhân, tập thể không hợp tác, không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP. 

- Các đơn vị, bệnh viện, cơ sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật phối hợp cùng các tổ dân phố, khu dân cư, tiến hành tổ chức các Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tuyên truyền các vấn đề của bệnh sốt xuất huyết, phun thuốc diệt muỗi đầu và cuối mùa mưa ...

Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh. Mỗi lần dịch bùng phát, rất nhiều người tử vong và hao tốn rất nhiều chi phí y tế. Mỗi người chúng ta hãy cố gắng có ý thức phòng ngừa bệnh. Nên nhớ rằng không có muỗi thì không có sốt xuất huyết. Mọi người hãy tự giác làm vệ sinh nơi mình sinh sống, dẹp ao nước đọng hoặc những nơi lăng quăng có thể phát triển, luôn luôn ngủ trong màn kể cả ban ngày tại nơi có dịch. Khi có bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ sốt xuất huyết, hãy đi đến khám tại cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Người viết bài

SV. Vũ Hoài Hương Giang

SV. Hoàng Quốc Cường

-------------------------
Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế (2019), Chỉ thị 07/CT-BYT 2019 về tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết

2. Học viện Quân Y (2008), Bệnh học truyền nhiễm

3. http://baochinhphu.vn/Doi-song/Bo-Y-te-khuyen-cao-cach-phong-sot-xuat-huyet-hieu-qua/407828.vgp

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận