Ngày 14.08.2019, Theo báo cáo của bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú thọ, , Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân nhi T.V.D (27 tháng tuổi) có hiệu ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều. Người nhà bé D. cho biết 4 ngày nay bé sốt cao từng cơn, ho khò khè nên gia đình cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg với liều lượng 4 viên/ngày, đã uống 4 ngày. Bệnh nhi vào viện trong tình trạng lơ mơ, mệt lả, hôn mê, đồng tử hai bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao, bilirubin tăng cao. Các bác sĩ chẩn đoán suy gan cấp, tiên lượng nặng, có thể tử vong nếu không được ghép gan.
2 ngày sau, ngày 16.08.2019, bệnh viên Nhi Trung Ương cũng vừa tiếp nhận một trường hợp bé gái 7 tháng tuổi đến từ Thanh hóa có dấu hiệu ngộ độc do uống quá liều Paracetamol dẫn tới men gan tăng cao và nhiễm trùng nặng. Theo mẹ của bé, chị L.T.T cho biết, trước đó ở nhà bé bị sốt cao trên 38 độ C, nên chị đã mua thuốc hạ sốt Paracetamol 150ml (theo tư vấn của hiệu thuốc).
1. LIỀU DÙNG AN TOÀN PARACETAMOL?
Paracetamol hay còn gọi là Acetaminophen là hoạt chất có tác dụng giảm đau, hạ sốt, được sử dụng để điều trị các chứng như đau đầu, đau cơ, viêm khớp, đâu lưng, đau răng, cảm lạnh và sốt. Thuốc có thể có đơn thành phần hoặc phối hợp nhiều thành phần (thuốc ho, thuốc long đờm, thuốc chống dị ứng, ...). Thuốc sử dụng được cho cả người lớn, trẻ em, và phụ nữ có thai. Tuy nhiên với phụ nữ có thai và trẻ nhỏ, cần có chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua thuốc về sử dụng, tránh các tác dụng không mong muốn khi dùng quá liều paracemol.
LIỀU DÙNG KHUYẾN CÁO:
- Viên nén/viên nén sủi bọt hàm lượng 500 mg
- Uống 1 - 2 viên, mỗi 4 - 6 giờ.
- Không dùng quá 4 g (8 viên 500 mg) trong vòng 24 giờ.
- Gói thuốc bột uống, sirô, viên đạn nhét hậu môn (nhiều hàm lượng khác nhau)
- Liều dùng tính theo cân nặng của trẻ em: 10 - 15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày
- Khoảng cách giữa các lần dùng thuốc tối thiểu là 4 giờ, mỗi ngày uống không quá 4-6 lần
- Với dạng thuốc đạn nhét hậu môn, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc tối thiểu là 6 giờ.
Cần tuân thủ nghiêm khoảng cách an toàn giữa hai lần uống để trẻ không bị quá liều paracetamol.
Không dùng Paracetamol trong các trường hợp
- Đã từng dị ứng với các thuốc chứa paracetamol trước đây
- Đang dùng thuốc khác cũng có chứa paracetamol
- Bệnh lý gan nặng
Lưu ý, thận trọng khi sử dụng Paracetamol
- Không dùng quá liều khuyến cáo do có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng.
- Nếu sau 3 ngày triệu chứng sốt không cải thiện/nặng lên, cần đi khám bác sĩ.
- Viên đặt hậu môn: có thể gây kích ứng tại chỗ, chỉ nên sử dụng khi không uống được.
- Sirô: cần dùng thuốc theo cốc đong có chia vạch.
2. NGUYÊN NHÂN VÀ TRIỆU CHỨNG QUÁ LIỀU PARACETAMOL
Trong hầu hết các tờ hướng dẫn sử dụng đều ghi rõ liều dùng khuyến cáo cũng như các lưu ý thận trọng khi dùng thuốc, tuy nhiên vẫn có rất nhiều trường hợp trẻ nhập viện với tình trạng nguy kịch do ngộ độc quá liều Paracetamol. Nguyên nhân là do các bậc cha mẹ khi thấy trẻ sốt liên tục không đỡ đã cho uống Paracetamol nhiều lần trong thời gian ngắn để mong hạ sốt nhanh; Hoặc có thể cho uống nhiều loại thuốc chứa Paracetamol cùng lúc; Sử dụng thuốc trong thời gian dài; Hoặc sử dụng liều cao.
Khi quá liều Paracetamol: trong 24 giờ đầu tiên trẻ sẽ có hiện tượng chán ăn, buồn nôn, đau bụng, suy nhược cơ thể; Nặng hơn nữa (trong vòng 24 – 72 giờ) trẻ có thể bị kích động, mê sảng, hạ thân nhiệt, mệt lả, thở nhanh, mạch yếu. Trong vòng 72-96 giờ tiếp theo, trẻ có nguy cơ tăng men gan nhanh chóng, tổn thương gan, thận, suy hô hấp, suy tuần hoàn, nếu không can thiệp kịp thời có nguy cơ dẫn tới tử vong.
3. XỬ LÝ KHI QUẢ LIỀU PARACETAMOL
Khi trẻ có dấu hiệu quá liều Paracetamol (da đỏ, sung ở vùng đau, phát ban, nhức đầu, buôn nôn, nôn, …) hãy gọi tới trung tâm cấp cứu gần nhất để có can thiệp điều trị kịp thời.
(Trích: Tài liệu đào tạo “Sử dụng một số thuốc thông thường an toàn, hợp lý và phòng chống kháng thuốc” – Trung tâm DI & ADR quốc gia)