KIẾN BA KHOANG - NỖI ÁM ẢNH MÙA MƯA

“Vào những thời điểm giao mùa, thường là từ tháng 7 đến tháng 9 là giai đoạn thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều và là điều kiện thuận lợi cho nhiều loài côn trùng sinh trưởng và phát triển, trong đó có Kiến ba không – một nỗi ám ảnh của người dân vào mùa mưa”

1. Kiến ba khoang

Kiến ba khoang (Paederus fuscipes) có thân hình thon, dài như hạt thóc (dài khoảng 0,7 - 1cm, ngang 2 - 5mm), có 3 đôi chân, bụng có đốt và nhọn về đuôi, thường có hai màu đen và đỏ. Loài kiến này có đôi cánh bay trong suốt gấp gọn bên dưới cánh cứng, tuy nhiên chúng hiếm khi bay và bò rất nhanh.

Kiến ba khoang thường được nhầm tưởng thuộc họ Kiến, Tuy nhiên, về phân loại sinh học, Kiến ba khoang thuộc bộ Cánh cứng (Coleoptera). Vì hình thái giống kiến, nên loài này có các tên gọi khác nhau, như kiến hoang, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong,...

Hình 1. Kiến ba khoang và độc tố Pederin

Kiến ba khoang ưa khí hậu ẩm ướt, nên chúng phát triển và sinh sản tốt vào mùa mưa. Chính vì thế mà cuộc sống và sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng nhất vào giai đoạn này.

2. Viêm da tiếp xúc do Kiến ba khoang

Viêm da tiếp xúc do côn trùng là một phản ứng dị ứng cấp tính của da với các chất kích ứng từ côn trùng, chủ yếu là kiến ba khoang, bướm… Bệnh hầu như không nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khiến người dân lo lắng.

2.1. Đặc điểm tác nhân gây bệnh viêm da tiếp xúc do Kiến ba khoang

Theo Cục Y Tế dự phòng, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố "Pederin" - một amid có độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.

Pederin có ở trong hemolymph - một loại chất lỏng trong hệ tuần hoàn của động vật chân đốt - tương tự như máu và dịch gian bào ở động vật có xương sống và động vật có vú. Pederin hầu như chỉ có ở con cái. Độc tố này không phải do tự cơ thể Kiến ba khoang tạo ra mà có thể là do một số vi khuẩn Pseudomonas (tiêu biểu là Trực khuẩn mủ xanh) tồn tại công sinh trong cơ thể của Kiến tạo ra.

Kiến ba khoang không đốt như nhiều người lầm tưởng. Viêm da tiếp xúc là do chúng ta chà, sát (vô tình, có thể trong lúc ngủ), làm côn trùng bị dập nát và phóng thích Pederin vào da. Đây cũng là lý do mà những biểu hiện lâm sàng của bệnh diễn ra sau khi ngủ dậy.

Viêm da do kiến ba khoang có thể bị nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng tùy theo độc chất xâm nhập qua da. Bệnh thường xảy ra từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm - tức là vào mùa mưa. Đại đa số bệnh nhân là những người làm việc dưới bóng đèn, văn phòng, học sinh.

2.2. Biểu hiện viêm da tiếp xúc do Kiến ba khoang

Vị trí biểu hiện bệnh: bất kỳ nơi nào trên cơ thể, nhưng hay gặp ở các vùng da hở. Khi bị tổn thương ở mắt có thể có sưng nề, trợt đỏ, chảy nước mắt; các vị trí khác như nách, bẹn, sinh dục,... có thể gây sưng đau làm hạn chế đi lại.

Hình 2. Viêm da tiếp xúc do Kiến ba khoang.

Triệu chứng cơ năng: Bỏng rát, ngứa. Nếu bội nhiễm sẽ thấy đau nhức, khó chịu. 

Triệu chứng toàn thân: Một số trường hợp tổn thương lan rộng có thể gây đau nhức, sốt, mệt mỏi, nổi hạch cổ, nách, hoặc bẹn tùy theo vùng tổn thương.

2.3. Tiến triển bệnh viêm da tiếp xúc do Kiến ba khoang

Ban đầu: Bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da,

Sau 6-12 giờ: Vị trí tiếp xúc thành một đám hơi nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều, đường kính khoảng 1-5mm,

Sau 1-3 ngày: Vết tổn thương trở thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo ngây ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.

Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả 2 mắt, 2-3 ngày mới đỡ. Tổn thương ở vùng bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau đi lại khó.

Các phỏng mủ tiến triển ngoài 3 ngày thì đóng vẩy tiết khô dần, khi rụng vẩy để lại vết xẫm màu.

Toàn bộ đợt tiến triển có thể kéo dài 5-20 ngày.

Về xét nghiệm không có gì biến đổi đặc biệt, trừ một số trường hợp tổn thương phỏng mủ rộng, sưng đau, sốt bạch cầu có thể cao. Hình ảnh tổ chức học chỉ là viêm da không đặc hiệu.

Một số ít bệnh nhân chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa lặn sau 3-5 ngày, không thành phỏng nước phỏng mủ.

Trong một mùa mua bệnh nhân có thể bị 2-3 lần.

Hình 3. Nổi hạch (trái) và sưng (phải) do Viêm da tiếp xúc

Thời gian qua, Kiến ba khoang đã tấn công các hộ dân cư ở Hà Nội khiến người dân "mất ăn mất ngủ". Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận trung bình mỗi ngày gần 100 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do Kiến ba khoang. Người dân phải đặc biệt đề phòng với loại côn trùng nguy hiểm này, nhất là vào những đợt thời tiết mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt như thời điểm hiện tại.

Tài liệu tham khảo:

1. "Paederus". Wikiwand.

2. "Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng và cách đi khám điều trị hiệu quả". Bookingcare.

3. "Viêm da tiếp xúc do Kiến khoang (paederus)". 2015. Bệnh viện da liễu Trung ương.

4. "Tất tần tật về Kiến ba khoang". 2020. Bệnh viện Quận 11.

Người viết bài:

SV. Hoàng Cường

SV. Vũ Hoài Hương Giang

Hiệu đính:

TS. DS. Ngô Thiện

    Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
    Viết bình luận