BỤI MỊN -SÁT NHÂN THẦM LẶNG

Những ngày gần đây, tình trạng ô nhiễm do bụi mịn xảy ra trầm trọng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Các phần mềm luôn đưa ra cảnh báo nguy hiểm (mức đỏ) hay rất nguy hiểm (mức tím) về chất lượng không khí ở Hà Nội; các cơ quan chức năng cũng đưa ra những khuyến cáo đến người dân để hạn chế ảnh hưởng tới sức khỏe của bụi mịn. Chúng ta cũng được nghe tới bụi PM2.5 hay bụi PM10. Vậy bụi mịn là gì, bụi PM2.5 hay PM10 là gì và nó ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

1. MỊN LÀ GÌ?

Bụi cùng với khí là thành phần gây ô nhiễm chính trong không khí. Bụi là hỗn hợp phức tạp bao gồm các hợp chất vô cơ, hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn lơ lửng trong không khí, được gọi là particalate matter, ký hiệu là PM.

Tùy kích thước khác nhau của hạt bụi mà người ta chia thành các dạng khác nhau, thông thường chúng ta hay nghe thấy tên gọi bụi mịn hoặc bụi siêu mịn. Tuy nhiên tên gọi này khá mô hồ, các chuyên gia gọi tên bụi dựa theo kích thước của chúng như PM2.5 hay PM10. Bụi PM10 là hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 10 micromet (0,01 mm) nhỏ hơn khoảng 5 lần sợi tóc trong khi đó bụi PM2.5 là bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, nhỏ hơn 20 lần sợi tóc.

Thông thường do lực hấp dẫn của trái đất hay do mưa, sương các hạt bụi sẽ lắng xuống đất nhưng do kích thước quá nhỏ bụi PM2.5 có thể lơ lửng trong không khí trong một thời gian dài và dễ dàng phân tán đi một khoảng cách xa. Đây cũng là lý do chính làm cho bụi PM2.5 nguy hiểm hơn các hạt bụi có kích thước lớn hơn.

2. TÁC HẠI CỦA BỤI MỊN PM2.5

Tác hại của bụi mịn trước hết đến từ kích thước của nó. Do kích thước quá nhỏ, nhỏ hơn hồng cầu khoảng 3 lần, nên bụi mịn dễ dàng thâm nhập vào đường hô hấp, phổi, phế nang gây các bệnh về đường hô hấp. Nó còn có khả năng xâm nhập vào hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể gây ra các nguy cơ bệnh tật trên các cơ quan khác của cơ thể như tim mạch, đột quỵ, các bệnh về sinh sản.

Bụi mịn PM2.5 chứa các chất rất có hại sức khỏe.

+ Các kim loại chuyển tiếp trong bụi mịn có như chì, nikel, crom, asen, cacdimi là những kim loại độc trên gan, thận, phổi, tim và hệ thần kinh.

+ Các chất hữu cơ như aldehyde, hợp chất thơm đa vòng, xăng dầu không cháy hoàn toàn là những chất phá hủy cấu trúc vật chất duy truyền, gây ra ung thư.

+ Các muối, acid, hay chất vô cơ có trong bụi mịn như cacbon đen, các hợp chất lưu huỳnh được xem là cá chất có hại cho sức khỏe lâu nay.

Các nghiên cứu về tác hại của bụi mịn PM2.5 trên sức khỏe tuy chưa đẩy đủ nhưng cũng chỉ ra được một số ảnh hưởng của nó tới sức khỏe.

+ Về ảnh hưởng khi phơi nhiễm ngắn hạn (theo giờ, ngày) bao gồm: các phản ứng về hô hấp, viêm phổi, ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn, tim mạch, tăng thời gian sử dụng thuốc, tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong.

+ Về ảnh hưởng khi phơi nhiễm dài dài hạn (hàng tháng, năm) bao gồm: tăng các bệnh về đường hô hấp dưới, bệnh tim mạch, giảm chức năng phổi ở trẻ em, tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giảm chức năng hô hấp ở người cao tuổi, giảm tuổi thọ chủ yếu tử vong do bệnh tim phổi và ung thư phổi. Khi mật độ bụi PM2.5 tăng thêm 10μg/m3 thì nguy cơ mắc bệnh tim phổi tăng thêm 6-13% và nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi sẽ tăng đến 36%.

3. CÁCH PHÒNG TRÁNH BỤI MỊN PM2.5

Khi không khí ô nhiễm bởi bụi mịn, chúng ta nên

hạn chế ra ngoài, hạn chế vận động ngoài trời;

+ sử dụng khẩu trang chuyên dụng, dụng cụ lọc không khí và
+ tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng thực phẩm hay các sản phẩm bổ sung.

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận