06 VỊ TRÍ DÙNG THUỐC ĐƯỜNG TIÊM CẦN BIẾT

Đường tiêm là một trong các đường dùng thuốc rất quan trọng và cấp thiết trong việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Thông thường có rất nhiều vị trí đưa thuốc theo con đường này, vì vậy việc lựa chọn đường tiêm truyền hợp lý cho bệnh nhân phụ thuộc vào mục đích sử dụng thuốc như tốc độ, thời gian tác dụng..., thể chất và tính chất của dung dịch sử dụng tiêm hoặc tiêm truyền.

1. Đường tĩnh mạch

Thuốc tiêm hoặc truyền tĩnh mạch có ưu điểm nổi bật là sinh khả dụng bảo đảm (100%), tác dụng nhanh, gần như tức thì, nên rất cần và hay được sử dụng cho các trường hợp cấp cứu. Đường tĩnh mạch sẽ được lựa chọn nếu thuốc tiêm cần đưa liều lớn vì lúc này có thể truyền thuốc vào mạch máu, có thể đưa vào tĩnh mạch người lớn tới 3 lít dung dịch mỗi ngày. Tuy nhiên, nhược điểm của đường đưa thuốc này là phức tạp, dễ gây tai biến như viêm tắc tĩnh mạch khi sử dụng các dung dịch tiêm ưu trương. Tai biến thường gặp là tụt huyết áp (thường do tiêm quá nhanh), tràn dịch ra ngoài mạch (nguy hiểm với các thuốc có thể gây hoại tử mô), nhiễm khuẩn huyết, tụ máu chỗ tiêm.

Một số thuốc hay dùng qua tĩnh mạch gồm: những dược chất có độ kích ứng cao, gây đau hoặc hoại tử cơ khi tiêm bắp như penicilin G, dung dịch calcium chlorid, các dung dịch ưu trương (như glucose 30%, trường hợp này tốt nhất là đưa qua tĩnh mạch trung tâm), các chất để bù thể tích dịch lưu hành (các loại dịch truyền tinh thể, dung dịch gelatin, amidon, dextran, albumin), nhũ dịch lipit.

Những hoạt chất hoặc dung dịch không được đưa qua đường tĩnh mạch gồm các dung dịch ở dạng dầu hoặc hỗn dịch.

Tiêm truyền tình mạch

Các cách đưa thuốc vào tĩnh mạch bao gồm:

+ Tiêm tĩnh mạch: Thuốc được dùng với một lượng nhỏ dung môi từ 5 đến 10ml và được bơm thẳng vào tĩnh mạch trong khoảng thời gian từ 3 đến 7 phút. Đây là cách dùng phổ biến của đường đưa thuốc theo đường tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, nhược điểm thường mắc phải là người tiêm cần chú ý đến tốc độ tiêm, nếu tiêm quá nhanh (thời gian tiêm < 1 phút) dễ dẫn đến tai biến là sốc.

+ Truyền tĩnh mạch quãng ngắn: Thuốc được pha loãng trong khoảng từ 50 - 200ml dịch truyền rồi truyền trong khoảng 30 đến 60 phút. Mục đích của cách dùng này nhằm tránh tác dụng kích ứng quá mức lên thành mạch của một số thuốc (licomycin, gentamicin) dẫn đến tụt huyết áp.

+ Truyền tĩnh mạch kéo dài: cách sử dụng này nhằm mục đích duy trì nồng độ thuốc trong máu trong thời gian dài. Lượng dịch truyền dùng để pha thuốc có thể nhiều lít, tùy thuộc quãng truyền và nồng độ thuốc cần duy trì. Các thuốc kháng sinh hay truyền theo kiểu này là ampicilin, pennicilin G.

2. Tiêm bắp

Tiêm bắp là cách dùng phổ biến nhất so với các thuốc đưa ngoài đường tiêu hóa vì dễ thực hiện hơn so với các phương pháp tiêm khác. Hầu hết các thuốc ở dạng tiêm đều có thể đưa qua đường này, đặc biệt đây là đường ưu tiên cho các loại dung dịch dầu, hỗn dịch, các dạng thuốc tiêm tác dụng kéo dài (thường là các dạng muối không tan).

Hình 1: Cách thức tiêm bắp

Các bác sỹ và y tá cần chú ý KHÔNG ĐƯỢC tiêm bắp trong những trường hợp:

+ Những chất có tác dụng kích ứng mạnh cho tổ chức hoặc gây hoại tử như các dung dịch ưu trương, dung dịch có pH quá acid hoặc quá kiềm.

+ Người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông máu hoặc các thuốc tiêu fibrin.

+ Những bệnh nhân đang ở trạng thái sốc, có hiện tượng giảm tưới máu ngoại vi.

Khi bào chế thuốc tiêm bắp, nhà bào chế cũng thường cho thêm lidocain (nồng độ 0.5 đến 0.8%) hoặc alcol benzylic (3%) trong dung môi pha thuốc tiêm khi tiêm các thuốc có độ kích ứng mạnh, gây đau (như kháng sinh nhóm cephalosporin, amoxicilin). Trong những dược chất có tính chất này tuyệt đối không được đưa vào tĩnh mạch vì có thể dẫn đến ngừng tim. Đồng thời không nên tiêm lớn hơn 10ml dung dịch tiêm với người lớn vào một chỗ vì sẽ gây áp-xe tại nơi tiêm. Cũng không nên sử dụng đường tiêm bắp cho trẻ sơ sinh vì cơ bắp của trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ nên sự hấp thu thuốc sẽ thất thường, lại hay gây tổn thương cơ. Với những đối tượng này, đường đưa thuốc ưu tiên là tiêm tĩnh mạch.

Với các thuốc tiêm bắp khi sử dụng dung môi không phải là nước thì không được để lâu trong bơm tiêm nhựa (plastic), mà nên dùng bơm tiêm thủy tinh.

3. Tiêm dưới da

Khả năng hấp thu thuốc của đường tiêu hóa dưới da chậm hơn so với tiêm bắp và nồng độ thuốc trong máu cũng giữ được lâu hơn, do đó người ta thường lợi dụng đường tiêm dưới da với những trường hợp cần kéo dài tác dụng của thuốc như tiêm morphin để giảm đau trong đau do ung thư, tiêm insulin, glucagon. Kỹ thuật tiêm dưới da khó hơn so với tiêm bắp, vì vậy với một số thuốc phải tiêm dưới da thường xuyên như insulin, người ta thường chế ra các loại bơm tiêm đặc biệt ở dạng bút để dễ thực hiện.

Khi sử dụng đường tiêm dưới da, người thực hiện tiêm nên chú ý các đặc điểm sau:

+ Không nên tiêm lớn hơn 1ml vào dưới da.

+ Không dùng cho bệnh nhân đang ở trạng thái sốc, có tổn thương mô dưới da, có hiện tượng kém tưới máu vào tổ chức da.

+ Nên thường xuyên thay đổi vị trí tiêm như tiêm insulin để tránh tiêu tổ chức mỡ dưới da.

4. Tiêm trong da

Tiêm trong da thường sử dụng trong trường hợp thử các phản ứng dị ứng thuốc test dị ứng nhóm penicillin, phản ứng dị ứng lao (tuberculin), tiêm chủng ngừa lao (BCG). Thuốc hấp thu theo đường này thường chậm. Vị trí được chọn để tiêm thường là mặt trước cánh tay, lưng. Các chú ý và những trường hợp chống chỉ định đối với tiêm dưới da và tiêm bắp.

5. Các đường tiêm khác

Các cách tiêm này ít phổ biến hơn và chỉ dùng chuyên biệt cho một số loại thuốc.

a. Tiêm ngoài màng cứng (epidural):

+ Thường được sử dụng trong gây tê vùng cứng, giảm đau sau phẫu thuật hoặc điều trị đau kéo dài.

+ Thuốc thường dùng là lidocain nồng độ 0.5 đến 2%, bupivacain 0,25 đến 0,5%, adrenalin 1/1000.000, 1/200.000.

+ Chống chỉ định sử dụng đường tiêm này trong trường hợp nhiễm khuẩn toàn thân hoặc tại vùng tiêm, rối loạn thể dịch, giảm thể tích máu, có rối loạn dẫn truyền thất hoặc nhĩ- thất.

Tai biến có thể gặp: Tụt huyết áp, nhiễm khuẩn, bí tiểu tiện.

b. Tiêm vào khớp (intra-articulaire):

+ Đường tiêm thường dùng để giảm đau, chống viêm khớp.

+ Thuốc thường dùng là các corticoid như triamcinolon acetonid (Kenacort reard 80), betamethason phostphat (Betnesol), hydrocortison acetat (Hydrocortisone Roussel).

+ Không sử dụng khi có nhiễm khuẩn ở vùng tiêm hoặc gần chỗ tiêm, viêm khớp do nhiễm khuẩn.

+ Bắt buộc phải tiêm trong điều kiện tuyệt đối vô khuẩn.

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận